Trong 4 nhóm khuyến nghị của EC, về pháp lý, phía EC đánh giá rất cao những chuyển biến của Việt Nam. Vừa rồi, những rà soát sửa đổi trong khung pháp lý đều được gửi cho phía EC, về cơ bản EC đồng tình cao với những nội dung sửa đổi.
Về quản lý, theo dõi, giám sát tàu cá, trong giai đoạn vừa qua do dịch COVID-19 nên việc theo dõi, kiểm soát tàu cá gặp khá nhiều khó khăn. Số lượng tàu cá đi khai thác giảm.
Đáng chú ý, với nhóm truy xuất nguồn gốc, thời gian qua hàng hoá xuất khẩu sang thị trường EU có mức độ sai sót, mức độ trả lại rất ít so với những năm trước. Việt Nam đang làm tương đối tốt nội dung này.
Cuối cùng với nhóm thực thi pháp luật, hiện nay các tỉnh cũng đang rất tích cực trên cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con ngư dân. Đối với những trường hợp vi phạm hoặc tái phạm, các địa phương cũng tăng cường việc xử phạt để tiến tới nhanh nhất chấm dứt tình trạng vi phạm trong khai thác, đặc biệt là vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài.
Bên cạnh ghi nhận sự nỗ lực từ Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hùng cho biết, phía EC cũng đánh giá còn một số tồn tại ở các địa phương, hay sự chuyển biến ở một số tỉnh còn chậm. Cụ thể, thứ nhất là việc quản lý, vận hành hệ thống thiết bị giám sát hành trình (VMS), đặc biệt là những tàu cá không duy trì VMS, nhóm tàu lớn trên 24m.
Thứ hai là việc quản lý tàu cá ra vào cảng. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 49 cảng cá chỉ định và 66 cảng cá khác cho tàu 15m cập cảng. Phía EC yêu cầu Việt Nam kiểm soát cả ngoài 49 cảng cá chỉ định để làm sao đảm bảo sản phẩm thuỷ sản khai thác là hợp pháp.
Thứ ba, hiện nay thực thi pháp luật thuỷ sản của Việt Nam đối với hành vi xử phạt vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài rất hạn chế. Phía EC yêu cầu cần tăng cường, đẩy nhanh điều tra, xác minh các hồ sơ để xử phạt.
Về triển khai Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (Hiệp định PSMA). Nội dung này Việt Nam mới triển khai nên còn sai sót, còn những vấn đề phải cải thiện rất tích cực trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu.
Trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến về chống khai thác IUU diễn ra đầu tháng 9/2021, ông Nguyễn Quang Hùng cho biết, Tổng cục Thủy sản cũng có văn bản gửi 28 tỉnh, thành phố và đề nghị xây dựng chương trình, kế hoạch với các giải pháp cụ thể cho giai đoạn tới với mục tiêu là chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài trước 31/12/2021. Để lộ trình Việt Nam có thể gỡ được thẻ vàng trong năm 2022-2023.
Ông Nguyễn Quang Hùng cho biết, phía EC cũng rất mong muốn sang Việt Nam để kiểm tra thực tế. Phía EC cũng dự kiến nếu tình hình dịch bệnh ổn định, trong quý I/2022, EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra trực tiếp tại các cảng cá, các địa phương về những nỗ lực từ phía Việt Nam. Từ đó có những khuyến cáo mới cho lộ trình gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam.