Với vị trí địa lý nằm giáp biển, gồm 65 km chiều dài bờ biểnTrà Vinh một ngư trường khá rộng lớn với các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh như: Cầu Ngang, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành. Đây là những địa phương ven biển có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế ở cả 2 lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản.
Từ lợi thế này, nhiều năm qua Trà Vinh luôn xác định mục tiêu dựa vào nguồn lợi kinh tế biển để phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi, nhanh và ổn định. Vì vậy, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh qua nhiều nhiệm kỳ, tỉnh dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các địa phương ven biển nhằm tạo nền tảng vững chắc để khai thác.
Mặc dù đặt mục tiêu phát triển kinh tế biển là động lực quan trọng nhưng Trà Vinh gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là nguồn ngân sách không đủ thực thi những giải pháp quan trọng để bứt phá.
Bởi để khai thác hiệu quả tiềm năng, tỉnh cần giải quyết hàng loạt vấn đề về hạ tầng kỹ thuật từ giao thông, hệ thống thủy lợi, nguồn năng lượng, công nghiệp chế biến, khoa học kỹ thuật, lao động có trình độ, tay nghề làm chủ được các phương tiện, phương thức sản xuất hiện đại nhằm giúp người dân làm ra sản phẩm thủy, hải sản tăng về lượng, đảm bảo về chất, góp phần nâng cao đời sống và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Năm 2018, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trà Vinh có được nhiều thuận lợi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trà Vinh đã được Chính phủ và bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ nhiều chương trình, dự án để phát triển kinh tế biển.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện cho biết, với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều dự án tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế biển. Chỉ tính nguồn vốn tỉnh được Trung ương hỗ trợ đầu tư cho các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật với tổng mức vốn trên 2.760 tỷ đồng.
Có được những chương trình, dự án đầu tư cho phát triển kinh tế biển, tỉnh Trà Vinh đã phát triển nhanh nghề nuôi trồng thủy sản vùng nước lợ, vùng ngập mặn và nghề khai thác biển. Đến nay, toàn tỉnh có diện tích nuôi tôm trên 57.000 ha, sản lượng thuỷ, hải sản hằng năm được đánh bắt và nuôi trồng đạt trên 220.800 tấn. Tổng giá trị sản xuất thủy sản bình quân của tỉnh hiện đạt trên 10.000 tỷ đồng và giá trị sản xuất/ha đất nuôi trồng thủy sản đạt hơn 300 triệu đồng.
Cùng với phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt, Trà Vinh còn phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo từ lợi thế biển của tỉnh. Cụ thể, UBND tỉnh Trà Vinh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 9 Dự án điện gió; trong đó, có 5 công trình điện gió được vận hành hòa vào lưới điện quốc gia.
Các công trình điện gió trải dài từ vùng biển xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải đến xã Đông Hải, huyện Duyên Hải với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng, tổng công suất 322MW. Theo tính toán, các công trình này cung cấp nguồn năng lượng sạch với sản lượng điện khoảng 1.200 triệu kWh/năm, doanh thu đạt trên 1.300 tỷ đồng, nộp ngân sách 500 tỷ đồng.
Các công trình điện gió trên địa bàn còn góp phần phát triển ngành du lịch tỉnh Trà Vinh, tạo thêm điểm nhấn trong du lịch sinh thái biển. Hiện tại, UBND tỉnh Trà Vinh đang kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận bổ sung các dự án điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện khí trên địa bàn tỉnh với tổng công suất hơn 46.500MW vào Quy hoạch điện VIII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045).
Đặc biệt, trong chủ trương phát triển kinh tế biển ở Đồng bằng sông Cửu Long, Trà Vinh được Chính phủ chọn là tỉnh trọng điểm phát triển cả về thủy sản lẫn thế mạnh trong giao lưu quốc tế, phát triển cảng nước sâu với vai trò khu vực.
Thực hiện chủ trương này, Trà Vinh đã được Trung ương đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế biển cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó Trà Vinh đóng vai trò trung tâm. Tỉnh đã được Trung ương đầu tư xây dựng Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu; Khu kinh tế Định An-một trong 8 Khu kinh tế ven biển được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2020 của cả nước. Đây là khu kinh tế ven biển tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực về các ngành sản xuất điện năng, hóa dầu, đóng tàu và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.
Có thể nói, những công trình trọng điểm quốc gia đã được Chính phủ đầu tư trên địa bàn Trà Vinh là “bệ phóng” vững chắc để tỉnh nắm bắt, vận dụng thực thi những chương trình, kế hoạch bứt phá phát triển kinh tế - xã hội, trở thành tỉnh giàu từ nguồn lực kinh tế biển. Tuy nhiên, con đường để đạt đến mục tiêu của một tỉnh trọng điểm về phát triển kinh tế biển của Trà Vinh vẫn còn những rào cản, đòi hỏi sự nỗ lực thực thi đồng bộ nhiều giải pháp căn cơ.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện, tuy tỉnh có những điều kiện thuận lợi từ tiềm năng, cùng sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương nhưng phát triển kinh tế biển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Các lợi thế chưa được khai thác tối đa về hiệu quả, chủ yếu mới khai thác tốt về nuôi trồng thủy sản, còn các lĩnh vực khác như đánh bắt xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá, công nghiệp chế biến, du lịch biển… chưa được đầu tư đúng mức.
Vì thế, việc mời gọi các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh các ngành nghề biển hiện đang được tỉnh tiếp tục “trải thảm” kêu gọi. Cùng đó, tỉnh rất chú trọng ưu đãi thu hút đầu tư các dự án để phát triển cho nghề nuôi trồng, chế biến thủy sản với qui mô, qui trình kỹ thuật chứa hàm lượng khoa học - công nghệ cao để nâng cao chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, hiện tỉnh đang kêu gọi thu hút đầu tư các dự án, gồm: Dự án xây dựng nhà máy chế biến cá, tôm qui mô 10.000 tấn/năm; Dự án nhà máy bảo quản chế biến thủy, hải sản quy mô 10.000 tấn/năm; Dự án nhà máy chế biến thức ăn thủy sản quy mô 20.000 – 30.000 tấn/năm; Dự án nuôi tôm nước lợ công nghệ cao quy mô 200 – 300 ha/khu; Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ nghêu tại bãi bồi ven biển quy mô 200 – 300 ha/dự án; Dự án liên kết nuôi tôm sinh thái xuất khẩu quy mô 1.000 – 2.000 ha…
Đối với nghề khai thác biển, tỉnh cơ cấu lại hoạt động hiệu quả, tập trung phát triển đội tàu công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, có khả năng đánh bắt xa bờ dài ngày gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Ngoài ra, tỉnh tổ chức lại hoạt động sản xuất trên biển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi giữa khai thác - cung ứng dịch vụ hậu cần và thu mua trên biển. Tỉnh tập trung đầu tư xây mới và nâng cấp các cảng cá kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền; tổ chức tốt dịch vụ hậu cần, hợp tác khai thác trên các vùng biển chung phù hợp luật pháp quốc tế.
Cùng với sự tập trung đầu tư nguồn lực của tỉnh, Trà Vinh vẫn rất cần có thêm sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương thông qua việc iếp tục ban hành các cơ chế chính sách, đầu tư hạ tầng tại Khu Kinh tế Định An, các quốc lộ trên địa bàn, hạ tầng thiết yếu như điện, đường, thủy lợi,.. ở các địa phương ven biển, các xã bãi ngang, xã đảo. Từ đó, tỉnh có điều kiện thuận lợi đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển, “bứt phá” vươn lên trở thành tỉnh trọng điểm về kinh tế biển ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.