Vì vậy, trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã vận động nhân dân đẩy mạnh chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Chương trình đã phát huy hiệu quả, là động lực đưa kinh tế - xã hội của Lào Cai phát triển.
Bảo Yên là huyện vùng thấp của tỉnh Lào Cai là một điểm sáng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi để nâng cao thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo xây dựng nông thôn mới. Huyện Bảo Yên đã ban hành các Nghị quyết và Quy định về cơ chế đặc thù khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2019 - 2020, chỉ đạo tái cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp, đồng thời xác định rõ nét 5 loại cây trồng (quế, chè, hồng không hạt, sả, dâu tằm) và 3 loại con (trâu, gà đồi, vịt bầu) để tập trung chỉ đạo. Đến nay, huyện đã trồng được trên 17.000 ha quế, 500ha chè chất lượng cao, 90/300 ha quy hoạch hồng không hạt, 130/500 ha sả quy hoạch lấy tinh dầu, 169/300 ha quy hoạch dâu tằm. Về chăn nuôi, đàn trâu có 19.000 con, gà đồi trên 500.000 con, vịt bầu 50.000 con.
Bên cạnh đó, Bảo Yên đã thực hiện một số mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp như mô hình trồng khoai tây Marabel, chanh leo... Đồng thời, đẩy mạnh việc phát triển trồng rừng sản xuất theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất chất lượng rừng.... tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh. Bảo Yên chỉ đạo mỗi xã lựa chọn 1 sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển tạo sản phẩm hàng hóa.
Ông Dương Đức Huy, Bí thư huyện ủy Bảo Yên cho biết, các sản phẩm đều có nhà máy chế biến và có hợp đồng tiêu thụ hoặc thị trường rất ổn định. Một số sản phẩm nông nghiệp của Bảo Yên đã xây dựng được nhãn hiện tập thể, thương hiệu như: mật ong, trâu sấy, trâu Bảo Yến, khoai môn. Hiện Bảo Yên đang xây dựng nhãn hiệu một số sản phẩm như: chè Bảo Yên, hồng không hạt Bảo Hà, măng hốc, tơ tằm.
Đến hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện khoảng 30,7 triệu đồng/người/năm, tăng 11,18 triệu đồng so với thời điểm bắt đầu thực hiện (12/2010), số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là 5/17 xã, có 6 thôn kiểu mẫu và 21 thôn nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020, huyện tiếp tục có thêm 6 xã hoàn thành nông thôn mới (Nghĩa Đô, Yên Sơn, Việt Tiến, Lương Sơn, Tầm Dương, Minh Tân) với thu nhập bình quân đạt trên 35 triệu đồng/người/năm, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt hơn 70 triệu đồng.
Là huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, Bát Xát đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu và phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Bát Xát đã chỉ đạo và ban hành các tiểu đề án, dự án phát triển nông nghiệp như: bổ sung đề án phát triển chăn nuôi ngựa tại xã A Lù, Cốc Mỳ; dự án trồng cây tỏi; dự án trồng cây dược liệu; mở rộng và cải tạo diện tích cây ăn quả ôn đới (lê VH6) tại xã Nậm Pung, Y Tý....
Huyện chủ động liên kết với các doanh nghiệp trồng 191 ha hoa, quả, rau và rau ôn đới trái vụ ứng dụng công nghệ cao và một phần công nghệ cao tại một số mô hình cho thu nhập cao như mô hình trồng dưa lưới tại Quang Kim, Bản Qua, Cốc San cho thu nhập trên 300 triệu đồng/ha; mô hình trồng rau trái vụ tại Trịnh Tường, Y Tý cho thu nhập trên 140 triệu đồng/ha; mô hình trồng một số cây như măng tây, dưa lê, bí cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, Bát Xát tập trung chỉ đạo trồng mới cây lê Tai Nung (VH6) từ năm 2016 đến năm 2019 được 175 ha đạt 143% mục tiêu đề án, và ước tính đến năm 2020 là 195 ha đạt 160% mục tiêu đề án. Hiện, 78 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt trên 60 tấn, chất lượng quả tốt được thị trường đánh giá cao, giá bán trung bình từ 30.000-35.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó cây chè cũng được Bát Xát quan tâm thực hiện, từ năm 2016 ước đến nay đạt 213,35ha, Sản lượng chè búp tươi năm 2018 đạt 1.502 tấn, năm 2019 ước đạt 1.562 tấn. Năm 2018, 2019 huyện trồng 16 ha cây dược liệu mới: độc hoạt, bạch truật, đan sâm, cát cánh, vân mộc hương, nghệ, gừng gió, sả. Một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng nghệ, gừng gió ép tinh dầu cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha, mô hình sả ép tinh dầu cho thu nhập trên 60 triệu đồng/ha.
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở huyện Bát Xát thời gian qua đã khẳng định hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 18,54%. Các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng năm sau đều cao hơn so với năm trước, tổng sản lượng lương thực có hạt ước năm 2019 đạt 46.376 tấn, tăng 4.849 tấn so với năm 2015. Nhờ vậy, đời sống bà con huyện Bát Xát đã từng bước được nâng cao.
Những bước đi đúng hướng trong chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp tại các địa phương trong những năm qua đã góp phần không nhỏ cho mục tiêu giảm nghèo bền vững của Lào Cai, giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo theo chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2018 thu nhập bình quân khu vực nông thôn của Lào Cai đạt 23,46 triệu đồng/người/năm, tăng 16,02 triệu đồng so với năm 2010. Đến hết tháng 9/2019, bình quân thu nhập khu vực nông thôn ước đạt 24,5 triệu đồng/người/năm.
Như vậy, toàn tỉnh Lào Cai hiện có 59/143 xã đạt tiêu chí thu nhập trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, tăng 30 xã so với năm 2015, tăng 51 xã so với năm 2010.
Do vậy, số hộ nghèo của Lào Cai liên tục giảm dần qua các năm. Đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn ở Lào Cai là 21%, giảm xấp xỉ 23% so với năm 2015 (theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều). Đến tháng 9/2019, tỷ lệ hộ nghèo còn lại 18,56%, giảm 2,44% so với cả năm 2018. Đến nay, toàn tỉnh Lào Cai có 59/143 xã đạt tiêu chí hộ nghèo theo chuẩn nông thôn mới, tăng 28 xã so với năm 2015, tăng 42 xã so với năm 2010.
Theo ông Nguyễn Công Khanh, Chánh văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tại Lào Cai, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã từng bước tạo sự chuyển biến trong tư duy và cách thức tổ chức sản xuất của người dân khu vực nông thôn, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp trên một đơn vị diện tích đất canh tác tăng cao, đời sống của người dân khu vực nông thôn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, an sinh xã hội ngày càng được đảm bảo, dân chủ ở cơ sở được phát huy.
Dự kiến đến hết năm 2019, tỉnh Lào Cai có 51/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 trước 1 năm và dự kiến đến hết năm 2020 có 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 5 xã so với mục tiêu đại hội, vượt 14 xã so với mục tiêu Trung ương giao.
Lào Cai phấn đấu đến hết năm 2025 có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5% xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, không có xã dưới 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 40 triệu đồng/người/năm.
Để làm được điều đó, Lào Cai sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng từng bước hiện đại, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. phát huy và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế nông nghiệp, từng bước xây dựng các vùng trọng điểm về sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ phát triển nhanh việc ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Mục đích cao nhất là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.