Than trời với thu nhập 200.000 đồng mỗi năm
Tại rừng cao su của các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu (Sơn La) hiện nay, các cây đang dần khép tán, phủ xanh cả vùng đất trống của 10 năm trước. Thân cây to hơn 1 gang tay và 2-3 năm nay đã đến thời kỳ khai thác. Tuy nhiên, theo người dân, mới chỉ có một phần diện tích cao su được thu mủ và người dân góp đất được chia lợi ích. Phần nhiều diện tích còn lại vẫn chưa được khai thác.
Xã Tông Lạnh (huyện Thuận Châu) là một trong những địa bàn đầu tiên ở Sơn La triển khai mô hình góp đất trồng cao su, tập trung chủ yếu trong hai năm 2008 - 2009. Toàn xã có 23 bản sản xuất nông nghiệp thì 12 bản với 400 hộ dân góp 1.600ha đất trồng cao su với Công ty Cổ phần (CP) Cao su Sơn La. Trong đó, đến nay, khoảng 600ha cao su đã quá thời gian cạo mủ nhưng công ty vẫn chưa thực hiện việc khai thác.
Theo người dân nơi đây, ở một số bản có nhiều đất nương rẫy, vẫn còn diện tích đất để trồng ngô, sắn, cây ăn quả, mía, cà phê... thì đời sống đỡ khó khăn hơn. Còn những bản đã góp đất trồng cao su mà nguồn quỹ đất canh tác còn lại rất hạn hẹp, thì người dân chỉ còn biết trông ngóng từng ngày, chờ vườn cây “mở miệng”.
Trưởng bản Quàng Văn Dính, bản Thẳm A, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu (Sơn La) chỉ tay về đồi cao su xanh bạt ngàn của gia đình, than thở: “Trước kia, khi về vận động người dân góp đất trồng, “họ” nói chỉ 7 năm là có ăn chia sản phẩm mủ cao su để bán, có tiền thoát nghèo. Bản có 110 hộ, sau khi góp đất trồng cao su thì chỉ còn 12ha ruộng trồng lúa. Sao đủ ăn. Dân bản bây giờ sốt ruột lắm”.
Các hộ dân ở bản này đã góp 43ha đất vào Công ty CP Cao su Sơn La. Các hộ góp đất được giao khoán trồng, chăm sóc. Cây cao su bén rễ từ năm 2008, theo chu kỳ phát triển thì 6-7 năm sau sẽ cho mủ, nhưng đến nay đã ngót 10 năm mà vườn cao su vẫn “im hơi lặng tiếng”.
Theo trưởng bản Quàng Văn Dính, không hiểu nguyên nhân gì mà diện tích cao su của ông vẫn chưa được Nông trường cao su Châu Thuận (thuộc Công ty CP Cao su Sơn La) tiến hành cạo mủ. Vườn cao su thuộc diện tích đất góp của gia đình ông cách nhà 3 - 4km. Dưới tán cao su, nhiều vườn cây dại, thực bì ngập đầu, có cây cao su mới chỉ lớn cỡ bắp tay. “Nhà báo hỏi về chuyện cao su nên tôi tôi dẫn lên đây, mới biết vườn nhà mình đang thế nào. Đã từ lâu lắm tôi chẳng lên vườn nữa. Tất tật công việc chăm sóc cao su đều do phía Nông trường Châu Thuận tổ chức làm, người dân chẳng có việc gì để lên” – ông Quàng Văn Dính nói.
Ông Quàng Văn Dính cho biết thêm: “Các hộ dân góp đất trồng cao su mong có thu nhập để thoát nghèo. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng ký kết đã làm xong, cây trồng đã lớn nhưng vẫn chưa đủ điều kiện cạo mủ. Mọi người cứ đến nhà tôi hỏi tại sao vẫn chưa thấy công ty tiến hành cạo mủ?”.
Trong ba loại đất góp trồng cao su với Công ty là đất nương rẫy của hộ, đất nông nghiệp giao cho hộ 20 năm và đất cộng đồng; thì đất nương rẫy của hộ chiếm nhiều nhất. Trong báo cáo Phát triển Cao su và Bảo vệ rừng ở Việt Nam xuất bản năm 2013, trong 6 bản được nhóm nghiên cứu khảo sát tại Sơn La, diện tích đất canh tác của hộ góp vào trồng cao su ít nhất chiếm khoảng 50-60% tổng diện tích đất canh tác của tất cả các hộ trong bản. Nơi góp nhiều nhất chiếm trên 90% diện tích. Điều này lý giải cho việc khi cây cao su không thực sự mang lại hiệu quả kinh tế sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân.
Ngay cả đối với những hộ dân có diện tích vườn cao su được thu hoạch, nỗi lo vẫn còn nguyên. Tính đến nay, nhiều diện tích cây cao su vùng Tây Bắc đã quá thời gian cho mủ một đến 2 năm, nhưng do giá mủ cao su trên thị trường thế giới giảm sâu, nên công ty chỉ cạo thử với một số diện tích nhỏ. Theo tổng hợp ở bản Thẳm B (xã Tông Lạnh), mặc dù đa số các diện tích cao su được trồng từ 2008 - 2009, nhưng tổng cộng cả hai năm 2017 và 2018, mới chỉ có hơn 6,4ha cao su được đưa vào khai thác, chiếm khoảng 10% tổng diện tích đất các hộ góp trồng cao su của cả bản.
Anh Lò Văn Hòa, trưởng bản Thẳm B (xã Tông Lạnh) ngán ngẩm lục lọi trong mớ giấy tờ liên quan tới thủ tục góp đất trồng cao su, đưa cho chúng tôi xem danh sách các hộ dân trong bản được chi trả tiền khai thác mủ cao su trong 2 năm 2017 - 2018.
Theo danh sách này, hộ góp đất trồng cao su nhiều nhất bản như hộ ông Lò Văn Triệu có diện tích đất góp xấp xỉ 2ha, nhưng tổng diện tích đưa vào khai thác mủ trong hai năm 2017 và 2018 mới chỉ đạt 0,78ha, với tổng số tiền được chi trả hơn 600.000 đồng; hộ ông Lò Văn Diệu, diện tích đất góp 1,8ha nhưng năm 2018 mới chỉ khai thác mủ trên diện tích 0,05ha, với số tiền được chi trả chỉ có 37.000 đồng... Những hộ khác, có diện tích đất góp từ 0,2ha đến 1ha/hộ, thì chỉ nhận được số tiền chi trả từ 100.000 – 200.000 đồng/hộ, cá biệt có những hộ chỉ mới được chi trả 2.000 – 3.000 đồng/hộ.
“Gia đình tôi thuộc diện có cây cao su được chăm sóc tốt, nên trong tổng số đất góp 0,3ha, đến năm 2018 đã cho khai thác toàn bộ diện tích. Thế nhưng số tiền được hưởng từ sản phẩm cả hai năm 2017 - 2018 mới chỉ được 235.000 đồng. Đầu năm 2019, khi được trả tiền sản phẩm, nhiều hộ phải đi xe máy 3 - 4 km lên đến điểm nhận tiền, mà số tiền chỉ là vài chục nghìn đồng nên có hộ chẳng buồn tới nhận” – anh Lò Văn Hòa chán nản.
Hộ ông Cà Văn Bọm, dân tộc Thái ở bản Ka, xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) góp 1ha đất để trồng cao su. Làm công nhân từ năm 2013, hiện nay ngày công và lương giảm, mỗi tháng nhà ông phải vay mượn 200.000 đồng để đóng bảo hiểm. Gia đình chỉ còn 500 m2 đất trồng lúa, mỗi năm thu được 5 tạ thóc, nhà có 5 khẩu không thể đủ ăn, hàng ngày vợ chồng ông phải đi làm thuê, được trả công 60.000 đồng. Ông Cà Văn Bọm mong mỏi: Dân bản nghèo, góp đất và tham gia trồng, chăm sóc, vườn cây cao su đến thời kỳ cho mủ thì công ty phải khai thác để bảo đảm sinh kế cho bà con.
Đến Sơn La những ngày này, khi mùa thu hoạch mủ (tháng 4-5) đã chớm, càng cảm nhận được tâm tư của bà con. Những bản làng 10 năm nỗ lực thay đổi cùng cao su xứng đáng có được cuộc sống ổn định, kinh tế vững vàng trên đồi đất của mình.
Từng là niềm kỳ vọng
Sơn La là một trong 3 tỉnh Tây Bắc có diện tích trồng cao su lớn nhất hiện nay (hơn 6.000ha), bên cạnh Lai Châu (gần 12.700 ha) và Điện Biên (gần 5.000 ha), theo thống kê năm 2017.
Ở thời điểm hiện tại, cao su là cây hàng hóa lâu năm có diện tích lớn nhất trong tất cả các loại cây hàng hóa lâu năm của Việt Nam. Thống kê tổng diện tích cây cao su trên toàn quốc năm 2017 đạt 969.700 ha, và diện tích cây cao su vẫn trên đà tăng, bình quân khoảng trên 27.700 ha/năm.
Nhìn lại quá khứ, khi giá mủ cao su trên thị trường thế giới tăng cao vào cuối những năm 2000 (từ 2008-2009), diện tích trồng cao su của Việt Nam được mở rộng nhanh chóng. Sơn La cùng 6 tỉnh miền núi phía Bắc bao gồm Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ và Yên Bái dù không phải là địa bàn truyền thống trồng cao su nhưng các diện tích cao su cũng bắt đầu được phát triển, lên tới con số trên 30.300 ha.
Phát triển và mở rộng diện tích trồng cao su ở Tây Bắc hầu hết được thực hiện thông qua mô hình liên kết (thường được gọi là mô hình góp đất trồng cao su) giữa công ty cao su - là công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các hộ dân. Trong mô hình này, các hộ dân góp đất nương rẫy, được Chính phủ giao sử dụng ổn định lâu dài, trước đó hộ được canh tác các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như ngô, sắn, mía, với Công ty Cao su để phát triển cao su.
Hợp đồng góp đất phát triển cao su được ký kết giữa công ty và hộ. Hộ góp 1 ha đất trở lên sẽ được Công ty nhận 1 lao động vào làm việc tại Công ty và được trả lương. Đất mà hộ góp vào mô hình được được tính là nguồn vốn của hộ góp vào liên kết, với mỗi ha đất góp được định giá là 10 triệu đồng, tương đương 10.000 cổ phiếu, hay 10% trong tổng đầu tư cho mỗi ha tính đến thời điểm cây cao su bắt đầu cho mủ (khoảng 6-7 năm từ lúc trồng). Hộ sẽ được hưởng lợi tức từ việc khai thác mủ tương đương với tỷ lệ góp vốn của hộ (10%).
“Quyết định 990/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18/6/2014 đã ghi rõ, cao su phát triển tập trung ở các tỉnh Tây Bắc là Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Còn các tỉnh Đông Bắc như Phú Thọ, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái có khí hậu khác với vùng Tây Bắc, mùa đông giá rét, nhiệt độ thấp, có nhiều sương muối nên chưa được đưa vào quy hoạch mà chỉ cho phép trồng thử nghiệm” - ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT)
Mô hình người dân Tây Bắc góp đất trồng cao su với công ty bắt đầu từ năm 2008. Tuy nhiên để chính thức hóa mô hình này, năm 2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 990/QĐ-TTg-QĐ ngày 18/6, chính thức cho phép việc thực hiện thí điểm mô hình góp đất trồng cao su. Quyết định cho phép các hộ nông dân tại Sơn La góp vốn bằng quyền sử dụng đất để hợp tác với công ty của Tập đoàn Cao su phát triển cao su tại Sơn La. Quyết định nêu rõ các điều kiện và vai trò của các bên tham gia góp vốn vào mô hình, quyền lợi và trách nhiệm của các bên tham gia. Trong đó, cần lưu ý, Điều 10 của Quyết định yêu cầu “hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện thí điểm cho hộ nông dân góp vốn; tổng kết đánh giá kết thúc giai đoạn thực hiện thí điểm, trình Thủ tướng Chính phủ vào quý IV năm 2018.”
Dự án trồng cao su ở Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đổi thay cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Sau 10 năm cây cao su bén rễ xanh cây trên mảnh đất Tây Bắc, đến nay, nhiều hộ dân góp đất trồng cao su đã bắt đầu có thu nhập từ những tấn mủ đầu tiên. Điều này phần nào đã làm thỏa lòng mong đợi lâu nay của người dân tham gia góp đất trồng cao su.
Hiện nay, cao su vùng Tây Bắc tạm dừng ở mức gần 25.000 ha, bằng 50% mức quy hoạch đến năm 2020 của Bộ NN&PTNT. Các địa phương đã và đang giải thể ban chỉ đạo, chuyển chức năng tham mưu và quản lý nhà nước thường xuyên về phát triển cây cao su sang Sở NN&PTNT.
Số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy tính đến hết tháng 12 năm 2012, tổng số đã có trên 18.000 hộ dân tại Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đã góp đất vào liên doanh với công ty cao su, với tổng số khoảng 23.000ha đất canh tác nương rẫy từ các hộ.
Gắn kết với người dân với tư cách là đơn vị ký hợp đồng trực tiếp nhận đất là các công ty con của Tập đoàn Cao su Việt Nam. Các công ty con này là đơn vị trực tiếp nhận thành viên của các hộ góp đất vào làm công nhân. Công nhân của công ty được trả lương, bảo hiểm giống như công nhân chính thức của công ty. Với quy định là chỉ có những hộ có diện tích đất góp từ 1ha trở lên mới có thể cử 1 thành viên làm công nhân cho công ty, chỉ có khoảng 36,5% số hộ góp đất với Công ty CP Cao su Sơn La có thành viên của gia đình mình được công ty tuyển chọn.
Theo báo cáo thực hiện dự án phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La của Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La gửi Liên đoàn Lao động tỉnh Sơn La tháng 9/2018, Công ty CP Cao su Sơn La đã đầu tư trên 1.231 tỷ đồng để triển khai thực hiện Dự án đầu tư phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La. Trong đó, chi trả chi phí nhân công cho công nhân là 474,25 tỷ đồng, đóng bảo hiểm cho công nhân là 77,55 tỷ đồng; hỗ trợ các bệnh nhân nghèo, xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo, cho người lao động vay vốn chăn nuôi... là 29 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng vùng trồng cây cao su được chú trọng đầu tư. Đây được xem là những kết quả bước đầu của Chương trình Phát triển cây cao su sau hơn 10 năm triển khai.
Tuy nhiên, do tác động của suy thoái thị trường thế giới về tiêu thụ mủ cao su, giá mủ cao su hiện chỉ bằng 1/3 so với mức giá tại thời điểm giá đạt cao nhất. Những yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng, giá và năng suất mủ cao su không được như kỳ vọng… đã tác động không nhỏ đối với cuộc sống của các hộ tham gia góp đất. Hầu hết các hộ chưa có lợi ích từ cao su, bởi phần lớn các diện tích mặc dù đến tuổi khai thác nhưng do giá thấp, công ty quyết định không khai thác để tránh lỗ. Bên cạnh đó, bà con thiếu việc làm, thu nhập giảm đáng kể. Đến nay vẫn chưa có một tổng kết đánh giá nào về hiệu quả mặc dù mô hình góp đất trồng cao su đã kết thúc giai đoạn thực hiện thí điểm tại Sơn La.
Đối với các hộ góp đất, sau 10 năm góp đất phát triển mô hình, đời sống của nhiều hộ đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề. Tác động lớn nhất là hộ bị giảm diện tích đất canh tác, và thu nhập từ đất - nguồn thu nhập chính của hầu hết các hộ - giảm nghiêm trọng so với thu nhập của hộ trước khi góp đất. Chính vì thế, thời điểm cây cao su được trồng với mục tiêu “xóa đói giảm nghèo” xưa đã bắt đầu đủ tuổi khai thác mủ cũng chính là lúc nhìn nhận thấu đáo về bài toán kinh tế của cây trồng này.
Bài 2: Loanh quanh lý do, mập mờ hứa hẹn