11 tỉnh, thành phố có ổ dịch cúm gia cầm

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh cúm gia cầm (do các chủng vi rút A/H5N1 và A/H5N6) đã xảy ra tại 13 xã của 11 tỉnh, thành phố; buộc phải tiêu hủy trên 23.000 con gia cầm. Bên cạnh đó, kết quả chủ động giám sát cho thấy tỷ lệ lưu hành vi rút cúm gia cầm tương đối cao (khoảng 2% tổng số mẫu xét nghiệm).

Chú thích ảnh
Bệnh cúm gia cầm đã xảy ra tại 13 xã của 11 tỉnh, thành phố; buộc phải tiêu hủy trên 23.000 con gia cầm. Ảnh: TTXVN

Dự báo trong các tháng cuối năm 2019, nguy cơ dịch bệnh gia tăng là rất cao vì thời tiết thay đổi tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, lây lan, lưu lượng vận chuyển gia cầm tăng mạnh, nhất là các tháng giáp Tết Nguyên đán...

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm theo đúng quy định của Luật Thú y.

Đồng thời, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm nhằm bù đắp cho lượng thịt lợn giảm do bệnh dịch tả lợn châu Phi; tạo điều kiện xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi, sản xuất thịt, trứng gia cầm xuất khẩu; giảm thiểu nguy cơ truyền lây vi rút cúm từ động vật sang người.

Theo đó, các địa phương khẩn trương xây dựng và phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh cúm gia cầm, bảo đảm bố trí đủ nguồn lực và kinh phí tổ chức thực hiện: tiêm phòng cho đàn gia cầm trên địa bàn, chủ động lấy mẫu giám sát lưu hành mầm bệnh cúm gia cầm để cảnh báo cộng đồng và có cơ sở triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thù lao cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh với mức không thấp hơn ngày công lao động phổ thông tại địa phương.

Bên cạnh đó, các địa phương tổ chức Tháng vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu độc trước các thời điểm có nguy cơ cao phát sinh dịch cúm gia cầm tại địa phương; chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng.

Ngoài ra, các địa phương tập trung đẩy mạnh xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi, sản xuất thịt, trứng gia cầm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm gia cầm trong nước; trong đó cần có Kế hoạch tổng thể về xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh được UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Các địa phương tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nôi dung phù hợp với từng đối tượng về nguy cơ, tác hại dịch bệnh.

Thành Trung (TTXVN)
Xuất hiện nhiều ổ dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng
Xuất hiện nhiều ổ dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng

Theo thông báo mới nhất của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến hết ngày 23/12/2018, cả nước còn 1 ổ dịch cúm gia cầm và 5 ổ dịch lở mồm long móng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN