Tháng 1/2017, vụ sáp nhập của hãng sản xuất kính mắt Luxottica của Italy và tập đoàn chuyên sản xuất tròng kính Essilor của Pháp đã trở thành một trong những vụ sáp nhập xuyên biên giới lớn nhất ở châu Âu. Trong ảnh là trụ sở của công ty kính mắt Luxottica tại Milan, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nếu như năm 2015 chứng kiến số lượng kỷ lục các thương vụ M&A thành công thì năm 2016 được cho là năm kỷ lục của các thương vụ đổ bể do Mỹ đang thắt chặt quy định chống độc quyền và quyết tâm hủy bỏ các thương vụ M&A được cho là trợ giúp trốn thuế hoặc có nguy cơ gây tổn hại tới an ninh quốc gia.
Chính thực tế trên đã khiến các doanh nghiệp trở nên thận trọng hơn trước mỗi quyết định mua bán hoặc sáp nhập. Bên cạnh đó, cú sốc Brexit đã gây ra các tác động liên hoàn trên thị trường, cũng được cho là gây ảnh hưởng không tốt tới tâm lý giới đầu tư.
Theo nhận định của Ts.Markus Nauheim, đối tác của công ty luật Gibson, Dunn & Crutcher LLP, 2016 còn là "năm của những bất ổn và thiếu niềm tin", trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại ở các quốc gia “át chủ bài” của thế giới như Trung Quốc, Nga và Brazil, trong khi một số quốc gia thành viên EU chưa thoát khỏi khủng hoảng nợ công...
Tất cả đều đánh thẳng vào tâm lý các nhà đầu tư ngay từ đầu năm 2016 và tình hình càng thêm trầm trọng sau sự kiện Brexit hồi giữa năm.
Đặc biệt, không chỉ giới quan tâm chính trị mới dõi theo cuộc chạy đua gay cấn vào Nhà Trắng mà cả thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) dường như cũng “dậy sóng” theo.
Số liệu cho thấy trong tháng 10/2016 (thời điểm trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ), thị trường Mỹ đã chứng kiến 602 thương vụ M&A với tổng trị giá lên đến 329 tỷ USD. Con số này chỉ cách mức cao kỷ lục trong lịch sử M&A Mỹ hồi tháng 7/2015 là 3 tỷ USD.
Các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò không nhỏ trong hoạt động M&A toàn cầu. Các doanh nghiệp Trung Quốc hiện có khoảng 500 thương vụ M&A ở nước ngoài, liên quan đến 16 ngành nghề ở 67 nước và vùng lãnh thổ với giá trị giao dịch thực tế tiếp tục giữ xu hướng tăng.
Còn tại Vương quốc Anh, một xu hướng rõ nét đang chi phối hoạt động M&A ở nước này trong thời kỳ hậu Brexit là các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện các giao dịch mua bán - sáp nhập bằng đồng USD để kiếm lời, trong khi hoạt động này giữa các doanh nghiệp của nước Anh với nhau lại sụt giảm mạnh.
Năm 2016, giá trị các thương vụ M&A của nước Anh được thực hiện bởi các doanh nghiệp nước ngoài đạt 143,7 tỷ USD, giảm so với năm 2015 những vẫn trên mức trung bình năm của giai đoạn 2010-2015. Trong khi đó, với 1.355 thương vụ, hoạt động M&A trong nội địa nước Anh chỉ ở mức 33,7 tỷ USD, dưới mức trung bình/năm trong giai đoạn kể trên (53,4 tỷ USD).
Đặc biệt, bất chấp những cảnh báo của Chính phủ Nhật Bản về một tiến trình Brexit có thể gây ra những lộn xộn, "xứ sở hoa anh đào" vẫn là quốc gia tích cực nhất tại châu Á trong các hoạt động mua các công ty của nước Anh trong năm 2016.
Tờ Financial Times dẫn số liệu cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản trong năm 2016 đã chi 33,5 tỷ USD để mua 37 công ty và doanh nghiệp của nước Anh. Con số này của năm 2015 là 29 công ty, với tổng trị giá chỉ có 9,5 tỷ USD.
Truyền thông, chế tạo robot, bơ sữa, tiêu dùng bán lẻ, dịch vụ khách sạn và dược phẩm là các lĩnh vực tiêu biểu thống lĩnh thị trường M&A năm 2016 và được dự đoán sẽ còn tiếp tục phát triển trong năm 2017.
Mặc dù các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan về triển vọng nền kinh tế toàn cầu trong năm 2017 nhưng giới quan sát có cái nhìn không trùng khớp. Các chuyên gia tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Anh Reuters cho rằng lạm phát leo thang và đồng USD mạnh lên do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất sẽ là hai trong số các yếu tố tạo “sóng” cho nền kinh tế năm nay.
Thương mại toàn cầu vốn đang ảm đạm giữa bối cảnh kinh tế thế giới vừa thoát khỏi khủng hoảng tài chính (bắt đầu từ gần 10 năm trước) được dự đoán sẽ còn đi xuống.
Các yếu tố trên gộp với các sự kiện tiêu biểu tiếp nối từ năm 2016 là tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, Brexit, khủng hoảng di cư châu Âu, tăng trưởng giảm tốc tại một số nền kinh tế chính yếu, giá dầu và giá hàng hóa biến động… sẽ tác động trực tiếp không nhỏ tới thị trường M&A.
Rõ nhất là Brexit, bởi đây là mối quan hệ giữa một bên là trung tâm tài chính của thế giới (Anh), bên còn lại là liên minh 28 nền kinh tế. Theo báo cáo mới công bố của hãng luật Baker & McKenzie, giá trị của các thương vụ M&A trên quy mô toàn cầu có thể giảm đến 1.600 tỷ USD trong vòng 5 năm tới nếu nước Anh không nhanh chóng đạt được thỏa thuận với EU về các điều kiện rút khỏi khối này.