Chỉ 1 hợp đồng dầu khí được ký với nước ngoài
“Trong 3 năm vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ ký được 1 hợp đồng dầu khí duy nhất với nhà thầu dầu khí nước ngoài là Murphy”, Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn đã chua xót chia sẻ như vậy tại Toạ đàm “ngành dầu khí Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển và hội nhập” do Uỷ ban Kinh tế Quốc hội tổ chức vào trung tuần tháng 9 vừa qua.
Theo ông Sơn, trong 30 năm qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào lĩnh vực thăm dò tìm kiếm dầu khí tại Việt Nam khoảng 45 tỷ USD nhưng mới thu lại chưa đến 20 tỷ USD.
Thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie (Anh) cũng cho thấy, phần thu của nhà thầu trong các hợp đồng dầu khí ở Việt Nam rất thấp bởi tiêu chí phần thu của Chính phủ trong các hợp đồng dầu khí của Việt Nam thuộc diện cao nhất so với các nước trong khu vực.
Ông Sơn cho biết, hiện Luật Dầu khí và các điều khoản Hợp đồng dầu khí hiện hành (ban hành kem theo Nghị định số 33/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013) kém hấp dẫn so với các nước trong khu vực, không phù hợp với tiềm năng trữ lượng dầu khí hiện tại.
Thực ra, mẫu hợp đồng dầu khí mà Việt Nam đang sử dụng được soạn thảo từ năm 2009, khi giá dầu thế giới ở mức trên 100 USD/thùng và Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng.
Khi đó Việt Nam có quyền đặt điều kiện cao với nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng bây giơ tình thế đảo ngược: giá dầu thấp, tiềm năng thấp nên Việt Nam phải mời gọi nhà đầu tư nước ngoài nếu muốn tiếp tục khai thác dầu khí, ông Sơn nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, Phó Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Quốc Thập dẫn chứng, trong số 5 hợp đồng dầu khí giai đoạn 2011- 2014 ký với các nhà thầu nước ngoài thì chỉ có 2 lô của nhà thầu Nga là có phát hiện đủ trữ lượng để phát triển thương mại. Còn lại 3 lô của nhà thầu Nhật Bản, Italy và Murphy đã khoan thăm dò nhưng hầu hết không thành công bởi chỉ cho phát hiện rất nhỏ và không thể phát triển thương mại được.
Không chỉ có phần thượng nguồn gặp khó khăn, phần hạ nguồn như lọc hoá dầu cũng khó kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào cùng triển khai.
Hiện Luật Dầu khí, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng… quy định là tất cả các doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm từ 30% trở lên hoặc giá trị từ 500 tỷ đồng trở lên phải chấp hành tất cả các luật quản lý với phần vốn nhà nước.
Và như ở dự án Lọc hoá dầu Long Sơn, các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vào 5,6 tỷ USD thì sẽ không chấp nhận sự bó buộc của hàng loạt quy định của Việt Nam nếu như PVN tham gia cùng trong liên doanh. Vì vậy, cho dù rất tiếc nuối nhưng PVN đã phải tự rút để dự án có thể triển khai.
Đây là bài học sâu sắc với phía Việt Nam để rà soát lại toàn bộ các luật hiện hành cho phù hợp với các mô hình công ty liên doanh trong đó các nhà đầu tư nước ngoài chiếm vốn đa số như ở Long Sơn, ông Sơn khẳng định.
Nhiều luật phải sửa để thu hút FDI
Tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng dầu khí là hoạt động tiên quyết để hoạt động khai thác dầu khí có thể tiếp tục triển khai trong tương lai. Hoạt động tìm kiếm thăm dò này lại liên quan quan mật thiết tới an ninh quốc gia, tới chủ quyền lãnh thổ nên không thể giao phó hoàn toàn cho nhà thầu nước ngoài mà cần phải có sự tham gia của phía Việt Nam mà PVN là đại diện.
Vì vậy, việc sớm điều chỉnh Luật Dầu khí 2008 và các văn bản pháp quy dưới Luật phù hợp với hiện trạng kinh tế dầu khí thế giới, tiềm năng dầu khí trong nước mới có thể kích thích đầu tư nước ngoài song hành với PVN tận khai thác các mỏ đang suy giảm, nâng cao hệ số thu hồi dầu, đầu tư phát triển các mỏ cận biên kinh tế, các vùng khó khăn nước sâu, xa bờ, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San kiến nghị với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.
Ở góc độ khác, việc đầu tư phát triển của PVN là đầu tư dẫn dắt để thu hút đầu tư nước ngoài vào hoạt động tìm kiếm thăm dò và các hoạt động khác thuộc khâu sau. Vì vậy, điều 34 của Luật 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014 (Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp của Quốc hội) cần phải sửa đổi để PVN đảm bảo đủ tài chính cho đầu tư phát triển, trong đó có hoạt động tìm kiếm thăm dò trên nguyên tắc khấu trừ rủi ro theo đúng thông lệ quốc tế, ông Phó Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Quốc Thập kiến nghị.
Cùng quan điểm này, ông Hugh Sykes, đại diện Tập đoàn Dầu khí đa quốc gia Mubadala tại Việt Nam đề xuất thay đổi các điều khoản thương mại trong Hợp đồng dầu khí mẫu và các điều khoản tham gia đấu thầu để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài yên tâm bỏ tiền vào thăm dò khai thác dầu khí tại các mỏ dầu khí sản lượng thấp ở vùng khó khai thác.
Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than khẳng định, những bất cập trong quy định về Luật thuế tài nguyên, Luật thuế thu nhập doanh nghiêp, thuế xuất khẩu dầu thô cần phải sửa sớm để có thể tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí nhiều rủi ro mà chi phí lại cực lớn này.
Ghi nhận nhưng kiến nghị của của các bên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, trước mắt, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội và Uỷ ban Ngân sách Quốc hội sẽ xin Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nội dung sửa đổi Luật Dầu khí vào chương trình xây dựng Luật và pháp lệnh của Quốc hội giai đoạn 2019-2020 của nhiệm kỳ Quốc hội khoá 14 này.
Theo báo cáo của PVN với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, năm 2017, sản lượng khai thác quy dầu của PVN lên tới 25 triệu tấn nhưng tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng chỉ là 4 triệu tấn.
Bước sang năm 2018, hoạt động tìm kiếm gia tăng trữ lượng tiếp tục bế tắc khi 8 tháng qua chỉ đạt 2 triệu tấn do PVN không có nguồn tài chính và cơ chế tài chính phù hợp để thực hiện hoạt động mang tính rủi ro cao này.
Vì vậy, cảnh báo về sản lượng khai thác dầu khí toàn ngành có thể chỉ bằng 1/3 sản lượng hiện nay sẽ thành hiện thực nếu tình trạng mất cân đối giữa tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng và khai thác vẫn tiếp diễn mà không có giải pháp cấp bách tháo gỡ, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn nhấn mạnh.