Sự kiện này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Liên minh VBF phối hợp tổ chức.
Quang cảnh diễn đàn sáng 12/12. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, năm 2017 là năm có nhiều dấu ấn quan trọng trong nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, của Chính phủ. Quyết tâm xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển đang được định hình rõ nét từ chính sách ban hành cho đến các hành động cụ thể.
Nhiều vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp đã được lắng nghe, được các cơ quan Nhà nước tháo gỡ với thái độ cầu thị. Nhiều bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ… đã chủ động rà soát, có nhiều kế hoạch cải cách điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.
Từ những nỗ lực đó đã tạo thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động cũng như số vốn đưa vào đầu tư kinh doanh đều tăng cao. Trong 11 tháng năm 2017, cả nước có hơn 116.000 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 14,1% về số lượng doanh nghiệp và tăng gần 42% về số vốn đăng ký so với năm 2016. Ngoài ra, có hơn 24.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng năm 2017 lên 140.400 doanh nghiệp.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình cải cách và hình thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đồng Chủ tịch VBF cho biết, còn nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Đã có gần 11.000 doanh nghiệp giải thể và hơn 55.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, lần lượt tăng 3,3% và 3% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, những gánh nặng về thủ tục hành chính vẫn đang là một trở ngại lớn của quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2016 do VCCI tiến hành và công bố hồi đầu năm 2017 cho thấy có 35% doanh nghiệp đang dành trên 10% quỹ thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính; cứ 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp cho biết khó khăn lớn nhất của họ là sự phiền hà từ các thủ tục hành chính mang lại…
Để có thể tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính. Trước mắt, tập trung cải cách danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp…
Ông Sagara Hirohide, Đồng Chủ tịch, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) ghi nhận, Việt Nam đã đi qua những bước ngoặt quan trọng và đã thành công khi gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đã thu hút mạnh mẽ và có hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài; GDP hàng năm liên tục tăng trưởng góp phần cải thiện đời sống người dân. Quan trọng, Việt Nam đã đạt được những mục tiêu quan trọng trong việc xây dựng và hình thành được nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để đánh giá những chặng đường đã đi qua, nhìn vào những thách thức trong tương lai để khắc phục và tận dụng cơ hội; đồng thời, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, hạn chế doanh nghiệp, có thể thấy Việt Nam vẫn còn không ít việc phải làm. Bởi vẫn còn nhiều quan ngại về sự minh bạch, hiệu quả của các cơ quan ban ngành; môi trường kinh doanh và đầu tư và năng suất lao động còn hạn chế… có thể ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh quốc gia và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
"Do đó, cần xây dựng các chiến lược, kế hoạch hành động; nghiên cứu và triển khai các giải pháp nhằm cải thiện năng suất lao động và cải thiện môi trường kinh doanh; tìm ra những nhân tố thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp và những động lực thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân nhằm cải thiện tình hình tài chính…. Tất cả những điều đó sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân bứt phá và vươn lên. Đó chính là những nội dung quan trọng và chủ yếu sẽ được bàn thảo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2017 lần này", ông Sagara Hirohide nhấn mạnh thêm.
Diễn đàn là cơ chế đối thoại liên tục, chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các doanh nghiệp trong nước, quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, nhiều nghị quyết quan trọng đã được ban hành trong thời gian qua như Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hay Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tới năm 2020. Năm 2017 cũng được xác định là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên quan tâm tới cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, giảm thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp…
Với sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã dần lan tỏa hiệu quả xuống các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp. Các diễn đàn, hội nghị đối thoại với doanh nghiệp đã được tổ chức thường xuyên, liên tục ở các cấp, các ngành trong năm 2017.