Bà Rịa - Vũng Tàu và Lâm Đồng là 2 địa phương mới nhất vừa thông báo có ổ dịch tả lợn châu Phi. Như vậy, chỉ còn 3 địa phương nữa chưa xuất hiện ổ dịch là Bến Tre, Ninh Thuận và Tây Ninh.
Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) cho rằng, việc 3 tỉnh còn lại xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi chỉ là vấn đề thời gian. Bởi đến nay vẫn chưa có vắc xin điều bị bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong khi đó mầm bệnh đã xuất hiện ở mọi nơi và rất khó kiểm soát nên có thể xâm nhiễm bất cứ lúc nào.
Đáng chú ý, mặc dù đã áp dụng rất nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nhưng tại một số trang trại chăn nuôi có quy mô lớn đã xuất hiện ổ dịch. Đây là mối lo lớn nhất của các nhà quản lý, bởi các trang trại này có quy mô đàn từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn con, thiệt hại về kinh tế là rất lớn.
Cụ thể, ngày 24/6, tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận ổ dịch lớn nhất từ trước đến nay tại trại lợn của Công ty chăn nuôi lợn Phú Sơn (huyện Trảng Bom) với tổng đàn gần 20.000 con. Đây là ổ dịch quy mô rất lớn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sắp tới, Cục Thú y sẽ làm việc với Đồng Nai, bàn phương án xử lý vấn đề này.
Theo nhận định của Cục Thú y, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang có diễn biến hết sức phức tạp, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Do đó, các địa phương cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, biện pháp hữu hiện nhất lúc này chính là chăn nuôi an toàn sinh học.
Tính đến ngày 24/6/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 4.401 xã, 459 huyện của 60 tỉnh, thành phố; tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,8 triệu con.
Ngoài ra, đã có 359 xã thuộc 1 huyện của 29 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh. Số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy tại các ổ dịch cũ này 173.741 con. Thời gian qua, đã có 75 xã thuộc 18 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh.