Logo ngân hàng AIIB tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 21/12. Ảnh: THX/TTXVN |
Giới quan sát nhận định đây là một quyết định táo bạo của Ottawa, trong bối cảnh Mỹ luôn tìm cách ngăn các đồng minh gia nhập định AIIB. Nếu Canada tham gia AIIB, đây sẽ là thành viên Bắc Mỹ đầu tiên của thể chế đa phương này.
Trong một tuyên bố tại thủ đô Bắc Kinh, Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau nói: "Canada luôn tìm cách tạo thời cơ và hy vọng cho tầng lớp trung lưu của chúng tôi cũng như cho người dân trên toàn thế giới. Việc trở thành thành viên của AIIB là một cơ hội để thực hiện điều đó".
Ngân hàng AIIB vốn được xem như một “đối thủ” của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Những ý kiến chỉ trích AIIB cho rằng ngân hàng này có thể đặt ra nhiều tiêu chuẩn thấp hơn đối với các dự án, và điều này sẽ làm suy yếu các nguyên tắc mà WB và các thể chế tài chính đa phương khác coi là tôn chỉ quy chuẩn.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ cùng với đồng minh châu Á Nhật Bản đều khẳng định không gia nhập AIIB.
Trả lời báo giới, Chủ tịch AIIB Kim Lập Quần (Jin Liqun) hoan nghênh quyết định của Canada xin gia nhập AIIB, đồng thời bày tỏ tin tưởng Canada sẽ đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngân hàng này.
Được chính thức thành lập ngày 25/12/2015 và đặt trụ sở tại Bắc Kinh, AIIB là thể chế tài chính đa phương mới, cung cấp hỗ trợ tài chính cho hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối khu vực châu Á.
Ngân hàng này hiện có 57 thành viên, với số vốn điều lệ 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ và Nga là những cổ đông lớn nhất. Trung Quốc chiếm 30,34% cổ phần và nắm giữ 26,06% quyền biểu quyết. AIIB bắt đầu đi vào hoạt động ngày 16/1 và phê duyệt các khoản vay đầu tiên vào ngày 24/6 vừa qua.