Điều này thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu luôn giữ vững đà tăng trưởng, nhập siêu cũng đã giảm hơn so với tháng trước và chủ yếu là nhập khẩu nguyên liệu phục hồi sản xuất trong nước.
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 5 đạt 17,2 tỷ USD, giảm nhẹ 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng nếu tính gộp từ đầu năm đến nay thì tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước đạt 79,3 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong số các thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ vẫn giữ vị trí quán quân về quan hệ thương mại với Việt Nam.
Dây chuyền lau bóng gạo, xay lúa và sấy lúa với công nghệ hiện đại của công ty có khả năng cung ứng 30.000 tấn - 50.000 tấn gạo thành phẩm/tháng. Ảnh: Lê Sen/TTXVN |
Tiếp đến là EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc.Không chỉ tăng trưởng mạnh ở các thị trường truyền thống mà kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới cũng phát triển ổn định. Chia sẻ thêm về giao dịch thương mại tại các cửa khẩu, ông Lê Biên Cương - Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại biên giới và miền núi (Bộ Công Thương) cho biết, 5 tháng qua, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và các nước có chung biên giới tăng trưởng tốt; trong đó tiêu biểu là thương mại Việt Nam – Trung Quốc.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất nhập khẩu biên mậu đã giảm mạnh, trong khi xuất nhập khẩu chính ngạch tăng cao.Theo ông Lê Biên Cương, từ đầu năm đến nay kim ngạch vào Trung Quốc theo đường chính ngạch đạt khoảng 10 tỷ USD, tăng 40,3%, nhập khẩu đạt 22 tỷ USD, tăng 15,7%. Trong khi đó, xuất khẩu biên mậu chỉ đạt khoảng 1,2 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 1,8 tỷ USD, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, tới đây Trung Quốc tiếp tục siết chặt thương mại biên mậu nên doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội, gia tăng nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch qua việc nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm giá bán. Cùng đó, ngoài tăng trưởng mạnh về xuất khẩu, các doanh nghiệp trong nước cũng nhập khẩu nhiều hơn các nguồn nguyên phụ liệu từ các bạn hàng nước ngoài để phục vụ sản xuất.
Ông Thái Văn Thi, Giám đốc Công ty Bê tông Phú Tài chia sẻ, thời gian qua do nhu cầu từ khách hàng với số lượng lớn nên công ty liên tục phải nhập khẩu các loại nguyên phụ liệu để sản xuất bê tông và đầu tư thêm máy móc phục vụ sản xuất. Nếu so với thời điểm này năm ngoái thì năm nay công ty phải nhập khẩu thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất với số lượng tăng tới 50%Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại trước tình trạng Việt Nam liên tục nhập siêu trong mấy tháng gần đây.
Theo ông Lê Quốc Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), ngoài những mặt hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất, nhiều mặt hàng trong nước sẵn có như sầu riêng, chôm chôm, xoài… cũng được nhập khẩu nhiều. Vì vậy, cần nhanh chóng tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm trong nước, kéo người tiêu dùng sử dụng rau quả Việt.Nhận định từ giới phân tích cho rằng, việc Việt Nam liên tục nhập siêu trong mức độ cho phép là điều hoàn toàn bình thường của một nền kinh tế phát triển. Bởi khi đã hội nhập sâu rộng, tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do thì việc trao đổi hàng hóa giữa các nước là điều hết sức tự nhiên. Khi Việt Nam phát triển xuất khẩu, sản xuất trong nước phục hồi thì có thể dẫn tới gia tăng nhập khẩu. Tuy nhiên, để hạn chế nhập khẩu những nhóm hàng hóa không thực sự cần thiết, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước, nâng cao chất lượng hàng hóa để sản phẩm có đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại.
Điều này thể hiện qua 5 tháng nhập siêu cả nước là 2,7 tỷ USD, chiếm khoảng 3,4% kim ngạch xuất khẩu. So với con số nhập siêu của 4 tháng là 2,74 tỷ USD, bằng 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mức nhập siêu này cho thấy nỗ lực kiềm chế nhập siêu đã bắt đầu phát huy tác dụng. Để cân bằng cán cân thương mại trong những tháng tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ tăng cường quản lý nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu hoặc trong nước đã sản xuất được.
Cùng đó, Bộ sẽ tiến hành nghiên cứu khả năng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với những mặt hàng nhập khẩu nhiều, ưu tiên sử dụng những sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước để hạn chế nhập khẩu. Đặc biệt, tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm, thị trường xuất khẩu để tránh tình trạng phụ thuộc vào một số mặt hàng chính, một số thị trường chủ lực.