Ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính). Ảnh: N.Minh |
Trước thềm FMM-24, ông Vũ Nhữ Thăng, Chủ tịch Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp (SFOM), Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính, đã trao đổi cùng phóng viên TTXVN về sự kiện này.
Ông có thể cho biết những nội dung chính sẽ được thảo luận tại FMM-24 ? Năm 2017, Việt Nam vinh dự đảm nhận vai trò chủ nhà Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Bộ Tài chính được giao chủ trì Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017. Cho đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành được những nhiệm vụ quan trọng như chủ trì thành công Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương (FCBDM) tháng 2 tại Nha Trang; chủ trì thành công Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp (SFOM) tháng 5 tại Ninh Bình.
Trong tháng 10, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ trì FMM-24 tại Hội An, Quảng Nam. Đây là sự kiện quan trọng nhất của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC. Trước Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC sẽ diễn ra các hội nghị SFOM và FCBDM vào ngày 19 và 20/10 nhằm chuẩn bị nội dung, kiện toàn các báo cáo và văn kiện để báo cáo lên các Bộ trưởng.
Tại FMM-24, các Bộ trưởng Tài chính sẽ thảo luận về tình hình kinh tế và tài chính vĩ mô toàn cầu và khu vực, xem xét kết quả tiến trình hợp tác tài chính về bốn chủ đề ưu tiên trong năm, cập nhật tình hình triển khai Kế hoạch Hành động Cebu để hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng APEC hội nhập, minh bạch, bền vững và kết nối về tài chính. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng sẽ có phiên đối thoại với Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC (ABAC) và lãnh đạo cao cấp một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong khu vực.
Các kết quả thảo luận sẽ được đúc kết tại Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Tài chính, sẽ được các Bộ trưởng thông qua và công bố sau khi kết thúc hội nghị.
Ông có thể nói rõ hơn về 4 ưu tiên hợp tác sẽ được thảo luận tại FMM-24 ? Trên cơ sở chủ đề của Năm APEC 2017 là ‘‘Tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai’’, tại FMM-24, các Bộ trưởng sẽ tập trung thảo luận các báo cáo về 4 chủ đề ưu tiên hợp tác trong năm, bao gồm đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận; tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai; và tài chính bao trùm. Đây là những vấn đề thách thức lớn trong khu vực, đòi hỏi nỗ lực hợp tác chung để giải quyết.
Các Bộ trưởng Tài chính APEC sẽ thảo luận và thông qua các đề xuất chính sách nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia đầu tư cho cơ sở hạ tầng; trong đó nhấn mạnh vào các giải pháp giúp chia sẻ rủi ro cho nhà đầu tư tư nhân khi tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng Tài chính APEC cũng sẽ thảo luận các giải pháp nhằm thúc đẩy Dự án Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận trong khu vực nhằm ngăn chặn tình trạng trốn tránh thuế đang diễn ra tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ; khuyến khích các giải pháp tài chính nhằm quản lý rủi ro thiên tai; tăng cường việc tiếp cận các dịch vụ tài chính của doanh nghiệp và dân cư khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Các Bộ trưởng tài chính sẽ có những định hướng hợp tác gì trong tương lai, thưa ông ? Định hướng dài hạn về hợp tác tài chính APEC đến năm 2025 được thể hiện tại Kế hoạch hành động Cebu được các Bộ trưởng Tài chính APEC thông qua năm 2015 tại Philippines. Kế hoạch hành động Cebu là một kế hoạch bao trùm lên nhiều lĩnh vực hợp tác tài chính khu vực và được thiết lập trên bốn trụ cột chính, bao gồm thúc đẩy hội nhập tài chính, thúc đẩy minh bạch tài khoá, cải thiện bền vững tài chính, tăng cường tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng.
Thứ nhất, về hội nhập tài chính, các nền kinh tế hướng tới tăng cường tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và chuỗi cung ứng, chia sẻ kinh nghiệm về tài chính bao trùm và chiến lược giáo dục tài chính, giảm chi phí chuyển kiều hối về nước, hướng tới tự do hóa các dịch vụ tài chính và tự do hóa tài khoản vốn trong các nền kinh tế APEC.
Thứ hai, về tăng cường minh bạch thông tin tài khóa được thúc đẩy thông qua áp dụng các thông lệ tốt về thuế, cải thiện hiệu quả chi đầu tư công, đặc biệt là đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tiếp tục thúc đẩy đầu tư tư nhân và tạo việc làm; rà soát, loại bỏ các hình thức trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch.
Thứ ba, về cải thiện bền vững tài chính, các nền kinh tế APEC đẩy mạnh hợp tác kinh tế vĩ mô, phát triển các cơ chế bảo hiểm (bao gồm cả bảo hiểm vi mô) và hỗ trợ tài chính nhằm giúp các nền kinh tế APEC đối phó với các rủi ro thiên tai, giảm gánh nặng tài khoá, phát triển thị trường vốn nhằm tạo thêm các công cụ chuyển hóa rủi ro, các sản phẩm tài chính đa dạng và hệ thống tài chính ổn định.
Thứ tư, về phát triển cơ sở hạ tầng, các nền kinh tế ưu tiên hợp tác tài chính tập trung vào thu hút nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân thông qua mô hình hợp tác công tư (PPP) cho các dự án quan trọng. Đồng thời, huy động nguồn tài trợ dài hạn dành cho cơ sở hạ tầng, khởi động các công cụ dài hạn hỗ trợ cho đầu tư dài hạn, tăng cường cơ sở hạ tầng toàn diện cho phát triển đô thị và kết nối khu vực.
Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận là một vấn đề được nhiều nền kinh tế thành viên APEC đặc biệt quan tâm. Vậy Việt Nam có đề xuất giải pháp gì cho vấn đề này, thưa ông ? Các nền kinh tế thành viên đã nhất trí thông qua kế hoạch hoạt động của APEC cho năm 2017 đối với chủ đề ưu tiên Xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) với các mục tiêu chính bao gồm: tăng cường hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên trong việc triển khai các hành động BEPS; tổ chức các khoá đào tạo và hội thảo, chia sẻ kiến thức, tăng cường năng lực cho các nền kinh tế thành viên; báo cáo tổng kết tình hình triển khai sửa đổi pháp luật và áp dụng các biện pháp BEPS của các thành viên APEC trong năm 2017.
Theo đó, vấn đề BEPS đã được định hướng triển khai trong APEC tích cực và có hiệu quả thông qua thực thi Chương trình hành động BEPS trong APEC năm 2017.