Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: AVR được xem là chỗ dựa vững chắc cho các nhà bán lẻ trong nước khi Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ năng động và hấp dẫn nhất khu vực châu Á và thế giới.
Đến nay, AVR đã thu hút 216 hội viên (khi mới thành lập có 100 hội viên ) bao gồm các doanh nghiệp, cá nhân là các nhà bán lẻ hàng hóa và dịch vụ thuộc các ngành hàng, lĩnh vực liên quan trên địa bàn cả nước.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Đại hội toàn thể Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam được xem như sự kiện lớn nhất của Hiệp hội, được tổ chức 5 năm một lần nhằm tổng kết nhiệm kỳ đã qua, đề ra chương trình mục tiêu cho nhiệm kỳ tiếp theo cũng như phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn tới.
Đại hội toàn thể Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam lần thứ III với chủ đề “Cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam: Sáng tạo - công nghệ - hợp tác - chia sẻ” hy vọng hoạt động ngày càng hiệu quả, tạo nên sức mạnh để góp phần xây dựng ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam lớn mạnh và phát triển.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: Bộ Công Thương nhận thấy AVR đã có những đóng góp tích cực qua vai trò cầu nối giữa các thành viên Hiệp hội với cơ quan quản lý Nhà nước cũng như tham gia xây dựng, tư vấn và phản biện chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực bán lẻ. Cùng đó, AVR luôn thực hiện tốt việc chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên tham gia xử lý các biến động nhằm bình ổn thị trường.
Đặc biệt, tích cực hưởng ứng tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đóng góp một số đề tài, dự án luật, đề án cải cách hành chính và đề xuất ý kiến để đảm bảo thực thi có trách nhiệm cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong việc mở cửa thị trường bán lẻ nhằm đem lại lợi ích cao nhất cho nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bán lẻ nói riêng.
Hiện nay, thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng cạnh tranh khốc liệt và đang tạo ra những cơ hội, thách thức lớn với doanh nghiệp trong nước. Do vậy, đây là thời cơ để các nhà bán lẻ Việt Nam, các thành viên của Hiệp hội đưa ra những chiến lược đúng đắn, đáp ứng nhu cầu thị trường và giành thị phần.
Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi AVR phải có những định hướng, kế hoạch mới để đóng góp và giải quyết những hạn chế của ngành bán lẻ. Vì thế, việc tổ chức Đại hội toàn thể lần thứ III là dịp để AVR nhìn nhận, đánh giá các hoạt động đã thực hiện trong nhiệm kỳ qua, tiếp tục phát huy những mặt tích cực, khắc phục những hạn chế để có những giải pháp cụ thể nhằm đạt mục tiêu và đề ra phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ tới.
Báo cáo tại Đại hội, Chủ tịch AVR Định Thị Mỹ Loan cho biết: Hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ của Internet, kỹ thuật số, thương mại điện tử, công nghệ di dộng phát triển. Do đó, ngành bán lẻ cũng phải đổi mới, sáng tạo để sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng Việt Nam thời kỳ hội nhập.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan cũng nhấn mạnh: Chỉ cần nhìn vào ngành bán lẻ của một nước, một quốc gia không chỉ đoán được mức độ tăng trưởng của nền kinh tế, đời sống của nhân dân mà còn thấy được thói quen tiêu dùng và giá trị về mặt tinh thần của nước đó. Chính vì thế, AVR cùng các thành viên với một tinh thần mới, nhận thức mới hy vọng Đại hội này sẽ tiếp bước vượt qua tồn tại, hướng đến những thành tựu tốt đẹp.
Đưa ra phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ tới, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Harpro kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội AVR, chia sẻ: Nhiệm kỳ II đã kết thúc với nhiều thành tựu mà Ban chấp hành nhiệm kỳ III sẽ tiếp tục phát huy. Dù vậy, vẫn còn nhiều tồn tại mà Ban chấp hành nhiệm kỳ III phải khắc phục để tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam cũng như mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
Vì thế, trong nhiệm kỳ tới, Ban chấp hành sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho tất cả doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội trong các hoạt động, góp phần đem lại môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch, thuận lợi.
Mặt khác, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, phân tích tổng hợp theo từng thời kỳ, nhất là phân tích năng lực cạnh tranh làm cơ sở quan trọng cho hoạt động của ngành cũng như tham vấn Chính phủ.
Đặc biệt, phát huy vai trò cầu nối tạo nên mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhất là trong việc chia sẻ kinh nghiệm quản trị. Ngoài ra, thu hút phát triển và kết nạp thêm hội viên mới với mục tiêu đề ra là tăng thêm 20% hội viên so với nhiệm kỳ II; tập trung phát triển hội viên trong các loại hình bán lẻ khác nhau (bán lẻ offline, bán lẻ online, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ tư vấn…); phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước, các nguồn xúc tiến thương mại để triển khai các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng đào tạo kiến thức kinh doanh, đưa sản phẩm nông sản của các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ra thị trường.
Kết thúc Đại hội, bà Vũ Thị Hậu được bầu giữ chức Chủ tịch AVR; Phó Chủ tịch thường trực AVR là ông Phạm Đình Đoàn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phú Thái và Tổng thư ký là ông Nguyễn Văn Đồng, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội.
Ngoài ra, các ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Hapro; Diệp Dũng, Chủ tịch Liên Hiệp Hợp tác xã Saigon Co.op; Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài gòn (SATRA); Nguyễn Thành Phương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử điện máy Việt Úc và ông Nguyễn Văn Kim, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim đồng giữ chức Phó Chủ tịch AVR.