Mua hàng không cần chờ thanh toán
Thanh toán dễ dàng và nhanh chóng là điều mà bất kì người tiêu dùng nào cũng mong muốn mỗi khi đi siêu thị, nhưng với đa số khách hàng đi mua sắm vào cuối tuần hay những dịp nghỉ lễ, Tết, việc xếp hàng trả tiền đúng là một “cơn ác mộng”.
"Mỗi lần nhìn xe hàng chất cao như núi của vị khách đằng trước chờ thanh toán, tôi lại ngán ngẩm thầm nghĩ liệu mình có nên kiên nhẫn chờ đợi nữa không”, chị Nguyễn Thị Trang, một bà nội trợ tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ.
Còn chị Đan Quỳnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thì thường xuyên từ siêu thị trở về trong tình trạng “mệt mỏi vì mất quá nhiều thời gian”. “Lần nào cũng phải mua đồ tích lũy cho cả tuần nên tôi phải xách nặng, có khi thứ không cần mua lại vác về, thứ cần mua lại quên mất”, chị Quỳnh than phiền.
Đó không chỉ là nỗi bận tâm của chị Trang, chị Quỳnh mà còn của rất nhiều bà nội trợ khác. Mặc dù các hệ thống bán lẻ hiện đại đang không ngừng cải thiện chất lượng phục vụ, nhưng riêng vấn đề thời gian chờ thanh toán vẫn là “điểm trừ” của không ít siêu thị.
Những năm gần đây, các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới đã chạy đua với công nghệ “Scan & Go”, tạm dịch là “quét và đi”, nhằm khuyến khích khách hàng đến cửa hàng mua sắm mà không lo tốn nhiều thời gian trả tiền. Bằng công nghệ này, sau khi mua hàng, tự quét mã hàng vào máy, người tiêu dùng có thể yên tâm ra về. Các mặt hàng được quét mã sẽ được chuyển đến địa chỉ của khách yêu cầu, tiền trừ vào tài khoản đăng ký. Đây là bước tiến lớn trong phong cách mua sắm hiện đại, cũng như phong trào tiêu dùng không tiền mặt hiện nay.
Tuy mỗi nhà bán lẻ có những tùy chỉnh riêng nhưng nhìn chung công nghệ “Scan & Go” mang đến 2 tính năng cơ bản cho khách hàng: Rút ngắn (hoặc loại bỏ) thời gian thanh toán và mua hàng từ xa, nhận hàng tại nhà. Những cái tên "khủng" trong giới bán lẻ thế giới đã ứng dụng công nghệ này có thể kể đến như Tesco với ứng dụng Scan Pay Go, Sainsbury's với ứng dụng Smartshop hay Amazon với việc mở cửa hàng Amazon Go áp dụng AI để nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Tất nhiên, để triển khai được công nghệ này vào thực tế, các nhà bán lẻ phải có đủ nguồn lực và tầm nhìn dài hạn. Thực tế, đã từng có doanh nghiệp trong nước thử nghiệm hình thức thanh toán gần giống “Scan and Go” nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Việt Nam không thể ngoài cuộc
Tại Việt Nam, công nghệ hiện đại này đã được ứng dụng tại hệ thống siêu thị Vinmart và nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng.
Chỉ sau 3 ngày ra mắt trong tháng 3/2019, tính năng “VinMart Scan & Go” của hệ thống siêu thị VinMart đã thu hút hàng ngàn lượt khách hàng sử dụng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thống kê sơ bộ, có tới hơn 200.000 lượt trải nghiệm và 15.000 đơn hàng thanh toán thành công. VinID, đơn vị phát triển công nghệ mua sắm mới này cho biết, “Scan & Go” mới chỉ là tính năng đầu tiên trong chuỗi tính năng mới do VinID phát triển sẽ được ra mắt trong năm nay.
“VinMart Scan & Go” được VinID phát triển nhằm kế thừa các ưu điểm của công nghệ “Scan & Go” quốc tế và cải tiến cho phù hợp với thói quen tiêu dùng của người Việt Nam. Người tiêu dùng có 3 lựa chọn mua hàng: Thanh toán siêu tốc - Lấy hàng ngay, Thanh toán siêu tốc - Lấy hàng sau và Thanh toán siêu tốc - Giao hàng tận nhà.
"Theo tính toán, thời gian khách hàng thanh toán tại quầy chỉ còn khoảng 30 giây, giảm 90% so với mua sắm thông thường", đại diện nhà bán lẻ này cho hay.
Thậm chí, nếu lựa chọn phương thức thanh toán hoàn toàn bằng điểm VinID và dịch vụ lấy hàng sau hoặc giao hàng tại nhà, khách hàng có thể chủ động thanh toán hoàn toàn trên ứng dụng mà không cần qua quầy thanh toán. Tính năng này đặc biệt phù hợp với khách hàng là phụ nữ, vốn ngại xách nặng lỉnh kỉnh khi đi siêu thị.
Công nghệ “Scan and Go” còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Với sự ứng dụng thành công bước đầu của Vinmart, trong tương lai gần, rất có thể nhiều hệ thống siêu thị khác cũng sẽ ứng dụng “Scan and Go” để chiều lòng các thượng đế của mình.
Thị trường bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện ích…) ở Việt Nam đang có đà tăng trưởng mạnh mẽ. Mặc dù chỉ chiếm gần 30% thị phần nhưng tốc độ tăng trưởng của bán lẻ hiện đại lên tới hơn 11%, gấp 10 lần so với tốc độ tăng trưởng của kênh bán lẻ truyền thống. Người tiêu dùng Việt Nam có tỷ lệ sử dụng smart-phone rất cao. Bối cảnh này mở ra cơ hội lớn cho những doanh nghiệp đi đầu ứng dụng các công nghệ cao vào quản lý và bán hàng.
Quả vậy, trong một thị trường bán lẻ thay đổi không ngừng, khi mà công nghệ đang len lỏi vào từng ngóc ngách của ngành dịch vụ thì những doanh nghiệp bán lẻ nhanh chân và nhạy bén sẽ giành chiến thắng.