Mua sắm hàng hóa tại siêu thị Big C Vinh (Nghệ An). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Theo đó, kịch bản 1, giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định, chỉ
tăng nhẹ vào các dịp lễ, Tết do nhu cầu tăng cao; giá dịch vụ khám chữa
bệnh không bảo hiểm y tế điều chỉnh trong quý I/2018 tác động làm tăng
CPI 0,17%; điều chỉnh tiền lương vào quý II làm tăng CPI 0,14%, giá điện
tăng từ 1/12/2017 làm tăng CPI năm 2018 khoảng 0,1%; giá xăng dầu tăng
5% làm tăng CPI khoảng 0,28%, giá bán khí hóa lỏng (LPG, hay còn gọi là
gas) tăng 5% làm tăng CPI khoảng 0,06%. Theo kịch bản này, dự báo CPI tháng 12/2018 so với tháng 12/2017 tăng 3,5%, CPI bình quân tăng khoảng 3%.
Kịch bản 2, giả thiết như kịch bản 1 và giả thiết thêm giá thịt lợn tăng 7% vào cuối năm tác động vào CPI 0,3%; giá xăng dầu tăng 10% làm tăng CPI khoảng 0,56%, giá LPG tăng 10% làm tăng CPI khoảng 0,12%. Dự báo CPI tháng 12/2018 so với tháng 12/2017 tăng 4,2%, CPI bình quân tăng khoảng 3,4%.
Kịch bản 3, giả thiết như kịch bản 1 và giả thiết thêm giá thịt lợn tăng 15% vào cuối năm tác động vào CPI khoảng 0,63%; giá xăng dầu tăng 15% làm tăng CPI khoảng 0,64%, giá LPG tăng 15% làm tăng CPI khoảng 0,18%. Dự báo CPI tháng 12/2018 so với tháng 12/2017 tăng 5,4%, CPI bình quân tăng khoảng 3,9%.
Bộ Tài chính cũng đã sử dụng mô hình dự báo để tính toán lạm phát năm 2018, nếu chưa tính đến tác động điều hành giá dịch vụ giáo dục, y tế, điện và sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu, CPI bình quân năm 2018 dự kiến tăng 2,87% so với năm 2017.
Theo báo cáo của nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá thì mặt bằng giá cả thị trường trong năm 2017 biến động theo hướng tăng thấp trong những tháng đầu năm, giảm trong quý II và tăng dần trở lại trong những tháng cuối năm.
CPI bình quân so với cùng kỳ năm 2016 giảm từ 5,22% trong tháng 1 xuống 3,61% trong tháng 11. CPI tháng 12/2017 tăng 2,6% so tháng 12/2016. CPI bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với năm 2016.
Các nguyên nhân làm tăng CPI năm 2017 là giá một số hàng hóa, dịch vụ (dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, điện…) được điều chỉnh tăng theo lộ trình thị trường; biến động tăng của giá xăng dầu và một số nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới tác động vào giá trong nước qua kênh nhập khẩu; giá vật liệu xây dựng trong đó có giá cát tăng mạnh vào tháng 5,6,7; mức lương tối thiểu tăng từ ngày 1/1/2017 và lương cơ sở tăng từ ngày 1/7/2017; nguồn cung một số mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng cục bộ tại một số địa phương bị bão lụt làm tăng giá các mặt hàng này tại một số thời điểm.
Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2017 là giá thực phẩm giảm trong khoảng nửa đầu năm; trong đó giá thịt lợn giảm mạnh; giá bưu chính viễn thông tiếp tục giảm.
Cùng đó, công tác chỉ đạo điều hành giá, bình ổn thị trường năm 2017 đã có sự phối hợp điều hành chặt chẽ và chủ động giữa các Bộ, ngành, địa phương dưới sự chỉ đạo quyết liệt và sâu sát của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhất là trong thời điểm thị trường có biến động cung cầu vào dịp lễ Tết, bão lụt.
Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt cũng giúp ổn định tỷ giá, giảm lãi suất. Công tác dự báo được chú trọng điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý sát với kịch bản dự báo góp phần kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Năm 2017, trong điều kiện tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động, Chính phủ đã chỉ đạo theo dõi sát, điều hành giá chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Lạm phát năm 2017 đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra ở mức dưới 4%, cung cầu thị trường được đảm bảo; điều hành giá nhất quán theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, mặt bằng giá cả thị trường được bình ổn góp phần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.