Ba nước Đông Nam Á có thể hợp tác ngăn chặn đà giảm giá cao su

Phát biểu tại một cuộc họp báo mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Indonesia (Gapkindo), Asri Sutan Amir, đã kêu gọi chính phủ nước này hợp tác ngăn chặn đà giảm giá cao su hiện nay với Malaysia (Malaixia) và Thái Lan.  


Theo Gapkindo, ba nước sản xuất cao sự tự nhiên hàng đầu thế giới, chiếm tới 70% sản lượng toàn cầu, là Indonesia (Inđônêxia), Malaysia và Thái Lan có thể thỏa thuận cùng thực hiện một số biện pháp để bình ổn giá cao su, trong đó có việc ba nước cần đạt được ngay một thỏa thuận ba bên về mức giá thấp nhất có thể, được các nhà sản xuất của mỗi nước chấp nhận, giá mặt hàng này không tiếp tục giảm hơn nữa trên các thị trường quốc tế.

Trồng cao su lấy mủ ở Indonesia. Ảnh businessnewsindonesia.com


Ngoài ra, còn có những biện pháp khác, chẳng hạn như hạn chế xuất khẩu, lập kế hoạch quản lý nguồn cung, hay thống nhất về hạn ngạch xuất khẩu.


Ông Axri Xutan Ami cho biết, trong cuộc gặp mới đây, Bộ trưởng Thương mại Indonesia , Gita Wirjawan và Thứ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan, Nuttawut Saikua đã trao đổi về vấn đề này, và hai bên đã đồng ý sẽ thực hiện "các biện pháp thích hợp" để ngăn chặn đà xuống giá liên tục của cao su. Các quan chức nông nghiệp cấp cao Thái Lan cũng sẽ có cuộc gặp trao đổi tương tự với Bộ Trồng trọt và Hàng hóa Malaysia trong tuần này.


Giá cao su kỳ hạn giao tháng 10/2012 đã giảm 5,1%, đóng cửa ở mức 231,7 yên/ kg (khoảng 2,89 USD/kg), mức thấp nhất kể từ ngày 11/11/2009, tại Sở Giao dịch hàng hóa Tôkyô, do các mối lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu. Như vậy, trong quý II/2012 giá cao su kỳ hạn đã giảm tổng cộng 29%, mức giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.


Ông Axri Xutan Ami cho rằng với vị trí chi phối nguồn cung cao su tự nhiên thế giới, Indonesia , Malaysia và Thái Lan nên thiết lập một mức giá tối thiểu “lý tưởng”, phù hợp đối với cả bên mua lẫn bên bán là 4 USD/kg.


Gapkindo đã cảnh báo rằng nông dân có thể giảm khai thác mủ do giá cao su giảm mạnh, khiến sản lượng cao su của Indonesia  sẽ giảm 9,7%, xuống 2,8 triệu tấn, trong đó xuất khẩu chiếm 2,3 triệu tấn và 0,5 triệu tấn tiêu thụ nội địa, thấp hơn các mức dự báo 2,95 triệu tấn hồi đầu năm và 3 triệu tấn hồi tháng 2 của Hiệp hội.


Gapkindo cho biết, so với cùng kỳ năm 2011, trong ba tháng đầu năm 2012, sản lượng cao su của Indonesia  chỉ đạt 700.000 tấn, giảm 6%, trong đó xuất khẩu chiếm 564.320 tấn, giảm 10%, kéo theo giá trị xuất khẩu cũng giảm 34,94% xuống 1,98 tỷ USD.


Trung Quốc hiện là khách mua cao su tự nhiên lớn thứ hai của Indonesia , chủ yếu để sản xuất lốp xe, sau Mỹ, ở mức khoảng 409.377 tấn/năm.



Việt Tú (p/v TTXVN tại Giacácta) 

Giá cao su tăng lần đầu tiên trong 6 tuần qua
Giá cao su tăng lần đầu tiên trong 6 tuần qua

Cùng chiều với đà tăng của các thị trường tài chính và hàng hóa khác, giá cao su đã tăng ngày thứ ba liên tiếp trong phiên giao dịch cuối tuần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN