Chuẩn bị phương án tổng thể trong năm nay
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế chưa được quan sát tồn tại khách quan trong tất cả các nền kinh tế. Có điều mỗi nước có quy mô nền kinh tế và phương thức kinh doanh khác nhau thì sự đóng góp của khu vực kinh tế chưa được quan sát cũng khác nhau.
“Bản thân cái tên ‘kinh tế ngầm’ hay ‘kinh tế bất hợp pháp’ đã cho thấy sự khó khăn khi thống kê. Trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, xác định nội hàm của từng thành tố trong khu vực kinh tế chưa được quan sát. Chẳng hạn bất hợp pháp là gồm những hoạt động gì. Kinh tế phi chính thức ngoài hoạt động kinh doanh vỉa hè, xe ôm thì còn hoạt động gì”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.
Năm 2019, Tổng cục Thống kê sẽ xác định tất cả các hoạt động đang diễn ra trong nền kinh tế của Việt Nam theo từng thành tố, sau đó phối hợp với các Bộ, ngành, thống nhất cách thức thu thập thông tin đánh giá các hoạt động đó. Có thể thu thập thông tin từ bên sản xuất, thu nhập và chi tiêu của các hộ gia đình hoặc thông qua các nguồn thông tin khác.
Tại cuộc họp báo giới thiệu về đề án thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm bật mí, trong số 5 thành tố của khu vực kinh tế chưa được quan sát, có 4 thành tố có thể làm tăng GDP và 1 thành tố có thể kéo giảm GDP. Tuy nhiên, ông chưa tiết lộ cụ thể đó là thành tố nào. Hiện Tổng cục Thống kê đang nhờ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, phản biện độc lập. Khi có kết quả sẽ chính thức thông báo với dư luận.
Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết thêm: Đề án sẽ không thống kê tham nhũng (do không phải là một ngành kinh tế) và không thống kê mại dâm (do văn hóa Việt Nam coi mại dâm vi phạm thuần phong mỹ tục, không phải ngành kinh tế).
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì đề xuất các định hướng, giải pháp, cơ chế quản lý nhà nước đối với lĩnh vực lao động, việc làm. Tổng cục Thuế chủ trì đề xuất các chính sách liên quan đến thuế nhằm mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn thất thu thuế. Tổng cục Hải quan chủ trì đề xuất các giải pháp thống kê đối với hoạt động xuất nhập khẩu chưa được ghi chép trong thống kê xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Dần thu hẹp khu vực chưa được quan sát
Trong các thành phần của kinh tế chưa được quan sát, kinh tế bất hợp pháp là những hoạt động kinh tế vi phạm pháp luật nên cần được truy quét và xử lý theo quy định.
Bên cạnh việc ban hành các chính sách, quy định, chế tài đủ mạnh và thực thi nghiêm thì theo ý kiến các chuyên gia kinh tế, cần có các biện pháp để khuyến khích các tổ chức và cá nhân đang hoạt động trong khu vực kinh tế phi chính thức từng bước chuyển sang hoạt động trong khu vực kinh tế chính thức.
Các hoạt động kinh tế phi chính thức hay kinh tế hộ gia đình đang tồn tại rất nhiều trong xã hội, theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, giải pháp là cần tiến đến con đường “chính thức hóa” các hoạt động kinh tế này. Có rất nhiều mô hình kinh doanh đang phi chính thức, cần chính thức hóa nó thì khu vực chưa được quan sát sẽ giảm thiểu.
Liên quan vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng không thể dùng biện pháp hành chính để can thiệp, buộc khu vực kinh tế phi chính thức trở thành chính thức, mà phải rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính mà khu vực kinh tế chính thức đang phải gánh chịu.
“Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu các quy định về lao động, môi trường quá cứng nhắc và gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) thì nó sẽ khiến nhiều hoạt động của DN trở thành hoạt động kinh tế ngầm”, ông Tuấn cảnh báo.
Mặt khác, cần khẩn trương nghiên cứu, ban hành chính sách và có giải pháp giảm thiểu giao dịch kinh tế dùng tiền mặt. Mọi hoạt động thanh toán cần thông qua thẻ của hệ thống ngân hàng; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân hiểu được trách nhiệm của mình trong việc cung cấp thông tin để điều tra, kiểm soát hoạt động khu vực kinh tế chưa được quan sát.
Kinh tế ngầm hay các hành vi trốn thuế thuộc trách nhiệm của ngành Thuế. Đại diện ngành Thuế cho biết, không cảm thấy áp lực khi phải phối hợp thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát này.
Theo bà Lê Thu Mai, Phó vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế), cơ quan thuế hiện thanh, kiểm tra chứ không quản lý trực tiếp từng người nộp thuế như trước kia. Cơ quan thuế cũng không thanh, kiểm tra tất cả doanh nghiệp, cơ sở có hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà chỉ thanh, kiểm tra với đối tượng có mức độ rủi ro cao trên cơ sở ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ để đánh giá rủi ro về thuế, mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế.
Thực tế, mỗi năm, cơ quan thuế các cấp chỉ thanh, kiểm tra khoảng 18 - 20% tổng số DN đang hoạt động, nhưng chủ yếu tập trung kiểm tra hồ sơ khai thuế của DN tại cơ quan thuế, chứ không tập trung kiểm tra tại DN. Vì vậy, nếu đối tượng nộp thuế tăng sau khi hoạt động kinh tế phi chính thức, kinh tế bị bỏ sót được thống kê từ năm 2020 cũng không gây áp lực nhiều cho ngành thuế.