Do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, tình hình xuất khẩu một số nông sản của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Tại Bình Thuận, ảnh hưởng nặng nhất là trái thanh long bởi 90% sản lượng trái được xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua các cửa khẩu biên giới theo hình thức mậu biên.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, từ nay đến cuối tháng 2/2020, Bình Thuận có khoảng 100.000 tấn thanh long trái vụ cho thu hoạch. Tuy nhiên, hiện sức mua tại các nhà vườn thanh long đang có xu hướng giảm mạnh khi Trung Quốc ngừng thông quan hàng hóa. Một số doanh nghiệp, cơ sở thu mua thanh long đã ngừng thu mua. Hiện tại giá mua tại nhà vườn chỉ dao dộng từ 4.000 đến 6.000 đ/kg, có nơi rất thấp. Thời gian tới, nếu các cửa khẩu đóng cửa kéo dài thì các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và người trồng thanh long sẽ rất khó khăn.
Thông tin về tình hình hoạt động của các cửa khẩu ở các tỉnh biên giới phía Bắc, ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh cho biết: theo Công điện từ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc, trước tình hình gia tăng của dịch bệnh, các cửa khẩu của các tỉnh biên giới phía Bắc đã tạm dừng các giao dịch trao đổi hàng hóa cư dân biên giới từ ngày 31/1 (mùng 7 tháng Giêng) đến ngày 8/2 (tức 15 tháng Giêng).
Ngày 3/2, cửa khẩu Hữu Nghị đã mở cửa nhưng chưa giải quyết được số hàng tồn do không có hợp đồng tiêu thụ, sức mua bên Trung Quốc giảm cho các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, chuỗi bán lẻ đóng cửa. Đồng thời, nếu có giao thương sang nước bạn thì cũng phải yêu cầu lái xe cách ly 14 ngày để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh nên các chủ hàng, lái xe chưa thống nhất việc này.
Tính đến ngày 4/2, Bình Thuận có khoảng 150 xe container (khoảng 3.000 tấn) của doanh nghiệp tỉnh chở thanh long xuất sang Trung Quốc đang chờ thông quan.
Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, bên cạnh giải pháp trước mắt thu mua trái để lưu trữ tại kho lạnh chờ thông quan, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ chính ngạch. Các đại biểu cũng cho rằng đây cũng là lúc để người nông dân nhìn lại, nhận thức rõ hơn việc tổ chức sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường và đảm bảo các quy trình sản xuất theo chuẩn VietGap, Global Gap… để không bị phụ thuộc vào một thị trường và có thể chinh phục được những thị trường khó tính.
Ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại sản lượng thanh long đang lưu tại các kho lạnh tại doanh nghiệp và sản lượng trái trên cây. Từ đó đưa ra sản lượng cần tiêu thụ hàng ngày đến hết quý 1 để có kế hoạch sản xuất, tiêu thụ hợp lý. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương khuyến cáo nông dân phải điều chỉnh lại sản xuất phù hợp với tình hình hiện nay.
Cụ thể, những vườn đang nuôi trái cần tập trung chăm sóc, tỉa bớt tối đa nhằm tập trung dinh dưỡng nuôi quả và hạn chế tối đa chi phí đầu tư phân bón, kéo dài thời gian thu hoạch. Những vườn chưa có trái nên hạn chế cho ra trái và không tiến hành chong điện; chăm sóc tốt để cây có thời gian phục hồi sau thời gian dài khai thác và thường xuyên cập nhật thông tin liên quan tình hình tiêu thụ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Công Thương phải xây dựng phương án hỗ trợ, tiêu thụ thanh long của tỉnh, chậm nhất tới ngày 7/2 phải báo cáo cụ thể Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời, cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở phải có văn bản gửi đi các tập đoàn bán lẻ lớn ở trong nước và có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo các tập đoàn kinh tế lớn, đơn vị sản xuất, chế biến lớn có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ thanh long Bình Thuận.
Ngoài ra, Sở Công Thương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ thanh long tại 16 thị trường khác ngoài Trung Quốc. Đồng thời, làm việc với các doanh nghiệp đang có xe thanh long chờ thông quan tại cửa khẩu biết tình hình và có phương án giải quyết tiêu thụ ở tại thị trường phía Bắc.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Sở Công Thương chủ động phối hợp với các địa phương, Hiệp hội thanh long, Hiệp hội du lịch, Hiệp hội doanh nghiệp vận động các doanh nghiệp, đơn vị đưa nông sản, trái cây tươi vào các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi để bày bán và đẩy mạnh tiêu thụ tại các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch…
Về lâu dài, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các bên theo chuỗi giá trị sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa đảm bảo an toàn thực phẩm, theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, tăng sản lượng xuất khẩu bằng chính ngạch.