Theo đó, đến đầu tháng 5/2019, địa phương đã giải phóng mặt bằng và bàn giao 50, km trong tổng chiều dài tuyến đường 51,1 km, đạt trên 98,84%; còn lại 590 m chưa bàn giao mặt bằng. UBND tỉnh Tiền Giang đang tập trung chỉ đạo các địa phương khẩn trương vận động các hộ dân nhận tiền đền bù, giải quyết dứt điểm các trường hợp vướng mắc còn tồn đọng để bàn giao mặt bằng đất sạch cho doanh nghiệp dự án.
Để đảm bảo kế hoạch tiến độ dự án, ông Phạm Anh Tuấn cho hay, UBND tỉnh Tiền Giang đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để tiến hành ký lại hợp đồng, phụ lục hợp đồng dự án giữa tỉnh và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Mặt khác, tỉnh cũng xem xét điều chỉnh đơn giá vật liệu, tiến hành phê duyệt giải pháp thiết kế thi công đã được Bộ Giao thông Vận tải thẩm định làm cơ sở xem xét điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, điều chỉnh dự án theo quy định.
Ngoài ra, UBND tỉnh Tiền Giang cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ nguồn vốn ngân sách trung ương trong năm 2019 với số vốn 2.186 tỷ đồng cho dự án theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải và hướng dẫn sử dụng nguồn vốn nêu trên để đảm bảo phương án tài chính của dự án.
Tuy nhiên, do tính chất cấp bách phải đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án, trong trường hợp vốn ngân sách trung ương không bố trí đủ 2.186 tỷ đồng trong năm 2019, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cho ứng trước kế hoạch vốn các năm sau nhằm đảm bảo đủ nguồn hỗ trợ.
Trước đó. thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Tiền Giang đã chính thức tiếp nhận bàn giao chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông Vận tải sang UBND tỉnh Tiền Giang vào cuối tháng 3/2019. Tiền Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức BOT do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban Chỉ đạo cũng như các Tổ chuyên môn giúp việc cho Ban Chỉ đạo.
Trong hơn một tháng qua, tỉnh đã nhận bàn giao hồ sơ hiện trường dự án từ Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải); đồng thời làm việc khẩn trương với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án nhằm tháo gỡ những vướng mắc theo kiến nghị trước mắt.
Cụ thể, khẩn trương đo đạc, lập hồ sơ xác định khối lượng thi công công trình thực tế trước đây đến ngày tỉnh tiếp nhận phục vụ việc điều chỉnh dự án bảo đảm trình tự thủ tục pháp lý; khảo sát hệ thống đường công vụ, bãi tập kết vật liệu, nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, tìm phương án giải quyết vướng mắc về vốn liếng, lãnh đạo tỉnh khảo sát trực tiếp thực địa toàn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để có giải pháp tổng thể phù hợp…
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài toàn tuyến 51,1 km với điểm đầu là nút giao Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành) và điểm cuối là nút giao với Quốc lộ 30 thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè. Giai đoạn I có qui mô nền đường 17 m, 4 làn xe cơ giới, 39 cầu trên tuyến chính, 4 cầu trong nút giao liên thông, 5 cầu vượt trực thông, 1 cầu trên tuyến tránh đường tỉnh 8, 2 cầu trên tuyến nối nút giao Cái Bè. Tổng mức đầu tư dự án là 9.669 tỷ đồng.
Căn cứ Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 18/3/2019 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về xử lý vướng mắc đối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn I theo hình thức BOT, UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn Nhà đầu tư gồm liên danh 6 thành viên: Công ty Cổ phần cầu đường CII, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng B.M.T, Công ty TNHH Tập đoàn Thắng lợi, Công ty Cổ phần Hoàng An, Công ty Cổ phần tập đoàn Yên Khánh và Doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.