Theo bài viết, đánh giá về thành tựu kinh tế của Việt Nam, nhiều tổ chức quốc tế gần đây ghi nhận đất nước này là “một câu chuyện huyền thoại”, “một ngôi sao đang lên”, hay “nền kinh tế sáng giá nhất châu Á”. Những thành tựu này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam đã tạo nên “câu chuyện thần kỳ” trong xóa đói giảm nghèo với chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019 là 0,63, xếp thứ 118/189 nước và nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng HDI nhanh nhất trên thế giới.
Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp thứ 8 trong danh sách các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư trong năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018 và năng lực cạnh tranh được WEF xếp thứ 67/141 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018. Một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng ước tính, từ năm 2010 đến năm 2020, chỉ số vốn con người của Việt Nam tăng từ 0,66 - 0,69, tiếp tục cao hơn mức bình quân của các nước có cùng mức thu nhập.
Ngoài ra, Báo cáo Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc năm 2020 cho biết Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đạt được 5 mục tiêu hành động của Liên hợp quốc, bao gồm các biện pháp giảm phát thải CO2, thúc đẩy năng lượng tái tạo và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của cả nước giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6%, cùng với những thành tựu về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3%.
Quan trọng hơn, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên toàn thế giới, Việt Nam được toàn cầu ca ngợi về khả năng kiểm soát đại dịch hiệu quả và giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế và tính mạng con người. Việt Nam được coi là điểm sáng trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế thế giới, trở thành một trong 10 nền kinh tế có mức tăng trưởng GDP cao nhất trong năm 2020.
Theo báo trên, ngoài sự lãnh đạo hiệu quả của Đảng Cộng sản Việt Nam, những thành quả trên đạt được là nhờ sự đoàn kết của toàn xã hội.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo bước chuyển giao quyền lực quan trọng cho thế hệ lãnh đạo kế cận của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp tục đề ra những định hướng đúng đắn, giúp Việt Nam ngày càng thịnh vượng và khẳng định vị thế quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề chung của khu vực và thế giới.
Đại hội được tin tưởng sẽ hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 khi kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời làm nền tảng cho các định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2045, thời điểm Việt Nam kỷ niệm 100 năm thành lập nước.