Chiều 30/5, đại diện Bộ Công Thương cho biết, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, trong đó có TP Hồ Chí Minh chủ động xây dựng các phương án ứng phó để sẵn sàng cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội theo các cấp độ diễn biến của dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, thực hiện các biện pháp hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản và hướng dẫn việc thu mua, tiêu thụ hàng hóa, nông sản tại các vùng có dịch bênh COVID-19.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) cũng thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả các hàng hóa thiết yếu trên địa bàn để kịp thời có phương án xử lý các bất ổn của thị trường khi cần thiết.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương với phương châm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng, Sở Công Thương TP Hồ Chí minh đã xây dựng Kế hoạch bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, trong Kế hoạch triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2021, Sở Công Thương cũng đã tham mưu cho UBND thành phố xây dựng phương án bình ổn thị trường kết hợp với thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp dịch bệnh COVID-19 nhằm chủ động bình ổn thị trường kể cả khi dịch bệnh COVID-19 lan rộng trên cả nước và trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở các kế hoạch đã xây dựng và chuẩn bị, với diễn biến dịch bệnh đang diễn ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay vẫn nằm trong kế hoạch và khả năng cung ứng của hệ thống phân phối của thành phố.
Đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh có hơn 9.400.000 nhân khẩu cư trú, tạm trú, vãng lai… Để đảm bảo nguồn cung ứng trong thời gian cách ly thành phố nhằm ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn, dự trữ và cung ứng hàng hóa các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người dân trên địa bàn thành phố trong thời gian cách ly.
Theo đó, các doanh nghiệp bình ổn thị trường và các doanh nghiệp khác cung ứng mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu xây dựng kế hoạch, phương án tăng cường tạo nguồn nguyên liệu, chủ động đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất từ 50% - 100% sản lượng. Các hệ thống phân phối trên địa bàn có kế hoạch, phương án tăng cường dự trữ hàng hóa tăng từ 2 - 3 lần, góp phần đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm cho người dân trên địa bàn thành phố.
Tại các chợ đầu mối xây dựng kế hoạch, phương án tăng cường nhập hàng, bình quân lượng hàng nhập đạt 7.000 tấn/đêm, cao điểm có thể tăng khoảng 50% - 80% so với ngày thường, đạt từ 13.000 - 17.000 tấn/đêm.
Các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo nguồn hàng, đa dạng chủng loại sản phẩm. Bên cạnh các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu (gạo, lương thực chế biến khô (mì, bún, phở, nui, dầu ăn, thực phẩm chế biến…), người dân trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều lựa chọn tiêu dùng các mặt hàng khác, góp phần đảm bảo cân đối cung – cầu nguồn thực phẩm thiết yếu trên địa bàn trong các tình huống cách ly.
TP Hồ Chí Minh cũng xây dựng ba kịch bản về hàng hóa khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan trong cộng đồng, cách ly một số khu vực quận, huyện, phường, xã, khu phố, thôn, ấp, các tuyến đường trên địa bàn thành phố và tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, lây lan trong cộng đồng và cách ly toàn thành phố 30 ngày và tình huống 3 khi tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, lây lan trong cộng đồng và tiếp tục cách ly toàn thành phố 30 ngày. Trong tất cả các tình huống, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị sẵn các nguồn hàng, đảm bảo cung cấp cho nhu cầu người dân.
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, đến thời điểm hiện nay, tình hình thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn tương đối tốt, giá cả hàng hóa không có biến động lớn. Tại một số khu vực chuẩn bị thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, nhu cầu mua hàng có tăng mạnh nhưng nguồn cung của các doanh nghiệp phân phối vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Đồng thời, Sở Công Thương cũng khuyến cáo và thông tin đến người dân hệ thống phân phối hàng hóa vẫn hoạt động liên tục để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các hàng hóa thiết yếu, người dân không nên mua hàng tích trữ, tập trung đông người gây nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Hiện Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) vẫn đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh để bảo đảm điều phối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường, xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa kịp thời nhằm không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.