Báo động nạn trộm cắp cà phê

Với người trồng cà phê thì “mỗi năm chỉ được một mùa vui” khi vào vụ thu hoạch, thế nhưng hiện nay niềm vui đó không được trọn vẹn không chỉ vì cà phê đang rớt giá mà đó còn là nỗi lo bị trộm cắp. Ở Lâm Đồng (tỉnh có diện tích cà phê lớn thứ 2 trong cả nước), nạn trộm cắp cà phê từ ngoài vườn đến trong nhà đang khiến cho nhiều nông dân trồng cà phê mất ăn mất ngủ...

Giữ cà phê: lực bất tòng tâm

Đó là lời than vãn của không ít nông dân trồng cà phê ở Lâm Đồng hiện nay khi không thể giữ được cà phê trước vấn nạn trộm cắp. Nạn trộm cắp diễn ra khi những vườn cà phê chỉ mới bắt đầu chín bói, gần một tháng nay khi vào chính vụ thì mức độ và quy mô trộm cắp càng tăng nhanh.

Ông Lê Văn Chiến ở Xã Lộc Ngãi – huyện Bảo Lâm ngán ngẩm nói: “Nhà tôi có 2 ha cà phê. Vườn rộng, trái cà phê trên cây, lại ở ngoài trời nên khó mà giữ được, kiểm tra phía bên này vườn thì bọn trộm hái bên kia vườn, giữ ban ngày thì chúng hoạt động ban đêm”. Cũng giống như ông Chiến, ông Nguyễn Thế Công ở thị trấn Di Linh, huyện Di Linh cho biết, ông cũng đã thuê người giữ cà phê, nuôi hơn 10 con chó xung quanh vườn cà phê hơn 3,2 ha của gia đình nhưng vẫn bị trộm.

p

 Bảo Lộc mùa thu hoạch cà phê. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Ở huyện Di Linh (vùng chuyên canh cà phê lớn nhất của Lâm Đồng) từ đầu vụ đến nay đã xảy ra gần trăm vụ trộm cà phê, tình trạng này vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Không thể thống kê cụ thể số người trộm cắp, nhưng với nhiều nông dân đã đủ làm cho họ khốn đốn, bởi đó không chỉ là những kẻ trộm chuyên nghiệp mà còn có cả những tên trộm “tranh thủ”, không chỉ là người ở nơi khác đến mà còn là người tại địa phương.

Không chỉ trộm khi cà phê còn ở trên cây, bọn trộm còn rình vác trộm cà phê ngay khi gia chủ vừa đóng bao để ngoài vườn chưa kịp thu gom vào kho. Ông Trần Hào ở Bảo Lâm cho biết: cà phê vừa hái vào buổi sáng, mới đóng bao để chuyển vào nhà phơi nhưng chưa kịp chuyển vào thì chỉ một giờ sau đã thấy mất. Hơn thế nữa, ông Lê Ngọc Chánh – Chủ tịch UBND xã Tân Nghĩa – huyện Di Linh cho biết: Bọn trộm không chỉ trộm cà phê tươi ngoài vườn mà còn canh để trộm cà phê khô ở trong nhà dân. Chúng canh chừng thường vào buổi sáng từ 8-10 giờ khi chủ nhà ra vườn hái cà phê thì lẻn vào nhà để trộm cà phê đang phơi trong sân, đặc biệt là cà phê khô đã đóng bao. Chúng chỉ v ác vài bao là chủ nhà đã mất tiền triệu.

Những hệ lụy lớn

Bị trộm cắp cà phê, nông dân mất tiền triệu, đó là điều ai cũng rõ. Tuy nhiên, nạn trộm cắp cà phê diễn ra nhiều còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác lớn hơn cả giá trị của số cà phê bị mất.

Khi trộm cà phê quả trên cây, bọn trộm luôn tuốt nhanh tất cả những gì trên cành khiến các cành đó coi như bỏ đi vì không thể ra hoa, quả trong vụ tiếp theo. Tệ hại hơn, một số tên trộm cà phê còn chặt cả cành, cây cà phê kéo ra khỏi vườn để tuốt quả, tránh bị phát hiện, bị bắt quả tang. Với những kiểu trộm này, thiệt hại về mặt kinh tế lớn gấp nhiều lần so với số lượng cà phê bị mất trên thực tế.

Một vấn nạn lớn nữa đó là do sợ bị trộm nên rất nhiều hộ trồng cà phê đã thực hiện phương châm “xanh nhà hơn già đồng” dẫn đến việc thu hoạch cà phê khi còn xanh khá phổ biến. Có vườn cà phê tỷ lệ cà phê chín chưa đạt đến 70% cũng đã bị nông dân thu hoạch mặc dù biết thu hoạch cà phê chín sẽ bán được giá cao hơn. Điều này dẫn đến hậu quả rất xấu mà ngành cà phê Việt Nam đang “đau đầu”, đó là thu hoạch cà phê quả xanh đã làm giảm mạnh chất lượng cà phê Việt Nam, giảm sức cạnh tranh trên các thị trường quốc tế. Kéo theo đó là thiệt hại lớn về kinh tế do giá cà phê Việt Nam thấp, số lô cà phê bị khách hàng “trả lại’ chiếm tỷ lệ lớn…

Một hậu quả lớn khác đó là việc trộm cắp cà phê đã gây tâm lý bất an cho nông dân trồng cà phê và ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội. Một số thanh niên hư hỏng “trộm vặt” cà phê bán lấy tiền ăn nhậu, quậy phá, làm phức tạp tình hình hình trật tự xã hội ở nông thôn.

Cần những biện pháp mạnh

Người dân huyện Bảo Lộc phơi cà phê sau thu hoạch. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Để ngăn chặn nạn trộm cắp cà phê, nhiều nông dân đã cố gắng với nhiều biện pháp như: tăng cường canh gác, tập trung thu hoạch nhanh cà phê, liên kết thành lập các tổ tự quản trong dân. Chính quyền các địa phương cũng đã khuyến cáo người dân tăng cường tố giác tội phạm, tăng cường tuần tra kiểm soát… Tuy nhiên, những biện pháp này chưa đủ sức ngăn chặn nạn trộm cà phê, cần phải có thêm những biện pháp căn cơ hơn, thiết thực hơn và… mạnh hơn.

Trước tiên, đó là tăng cường kiểm soát lực lượng lao động “mùa vụ” thông qua những nông dân thuê lao động thu hoạch, từ đó dễ phát hiện những đối tượng trộm cắp cà phê trà trộn, núp danh nghĩa làm thuê nhưng chủ yếu là trộm cắp; đồng thời quản lý chặt các đối tượng thanh thiếu niên "rỗi công" tại chỗ, đây chính là đối tượng “địch ở trong ta” khó phát hiện nhất.

Một biện pháp “triệt đầu ra” đó là nghiêm cấm các đầu nậu thu mua cà phê quả còn xanh, mua cà phê vào ban đêm và không mua cà phê của những người lạ mặt với số lượng ít (thường khoảng vài chục kg đến hơn 100 kg). Những đầu nậu nào vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm khắc và bị cấm thu mua cà phê trên địa bàn. Thực tế tại một số nơi áp dụng tốt biện pháp này thì việc trộm cắp cà phê gần như giảm hẳn bởi những người trộm cà phê không còn nơi tiêu thụ.

Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh việc khuyến cáo nông dân không nên hái cà phê còn xanh để đảm bảo chất lượng, đồng thời dễ dàng phát hiện “sản phẩm” của bọn trộm, tăng cường thành lập các mô hình tự quản và tố giác tội phạm, xử lý nghiêm theo pháp luật những đối tượng trộm bị bắt quả tang, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể như: đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, lực lượng dân phòng… trong việc phòng chống tội phạm.

Chính quyền cùng với người dân cần nỗ lực triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp trên, nhằm ngăn chặn nạn trộm cắp cà phê, để nông thôn Lâm Đồng với hơn 100 nghìn ha cà phê được bình yên hơn trong mùa cà phê nhiều khó khăn này.


Phan Văn Đông

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN