Cuối năm sẽ trình biểu giá bán lẻ điện mới
Liên quan đến vấn đề đảm bảo cung ứng điện cao điểm mùa khô và việc giảm giá điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đối với khách hàng dùng điện bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, làm sao để giảm giá điện nhưng “không treo lỗ” cho ngành điện, ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực khẳng định, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm giá điện trong thời gian dịch COVID-19, đặt ra yêu cầu không được lỗ treo doanh nghiệp.
Theo đó, năm 2020 Bộ Công Thương sẽ tổ chức giám sát chặt chẽ đơn vị điện lực, đơn vị thành viên, đảm bảo giá điện không tăng và quý 3/2020 theo định kỳ sẽ công bố giá thành điện và các thông tin minh bạch, công khai.
Về tình hình cung ứng điện trong năm 2020, ông Trần Tuệ Quang cho rằng, mặc dù có khó khăn trong cung ứng nhiên liệu than, khí, thủy điện hạn hán nhưng cũng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 sản xuất giảm nên nhu cầu điện cũng giảm, nên không có áp lực về cung cấp điện.
“Bộ Công Thương chỉ đạo EVN luôn cập nhật tình hình cung ứng điện, đảm bảo điện trong mọi tình huống. Đồng thời, bám sát tình hình thủy văn, thực hiện chỉ đạo tại Chỉ thị 04/ CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách để chống hạn và xâm nhập mặn… để các hồ thủy điện vừa đảm bảo cung cấp điện, vừa đảm bảo nguồn nước cấp nước đảm bảo đời sống, sinh hoạt của người dân vùng hạ du…”, ông Trần Tuệ Quang thông tin.
Về điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện, ông Quang cho biết từ tháng 6/2018, Bộ Công Thương đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng sửa đổi cơ cấu bán lẻ điện. Đầu năm 2019, Thủ tướng giao Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, làm rõ bối cảnh để sửa biểu giá sinh hoạt.
"Do các yêu cầu tình hình tiêu thụ điện, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu và phối hợp EVN điều chỉnh, lấy ý kiến, dự kiến cuối năm nay trình Thủ tướng để sửa đổi cơ cấu giá bán lẻ điện", ông Quang nhấn mạnh.
Về việc EVN xin giảm các loại thuế, phí… ông Trần Tuệ Quang cho rằng, EVN cũng như các đơn vị điện lực đều là doanh nghiệp, cũng phải trả đầy đủ các loại thuế, phí, vì vậy việc EVN xin việc giảm thuế, phí thì cũng là ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp và tùy các cơ quan xem xét, giảm khó khăn cho ngành điện hay không.
12,4 triệu khách hàng được giảm tiền điện trong tháng 4
Liên quan đến việc giảm giá điện cho người dân và doanh nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/4, Bộ Công Thương đã có Công văn số 2698/BCT-ĐTĐL hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc giảm giá điện, giảm tiền điện.
Theo báo cáo của các đơn vị, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị bán lẻ điện trên toàn quốc đã khẩn trương triển khai thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện. Tính đến ngày 12/5, đã có 12,4 triệu khách hàng (chiếm tỷ trọng 43,94% khách hàng) được giảm giá điện, giảm tiền điện với tổng số tiền giảm là 1.739,3 tỷ đồng.
Cụ thể, có 11,06 triệu khách hàng (chiếm tỷ lệ 43,04% khách hàng sinh hoạt) được giảm tiền điện với tổng số tiền giảm là 391,67 tỷ đồng; 1,35 triệu khách hàng ngoài sinh hoạt được giảm giá với tổng số tiền giảm là 1.316,05 tỷ đồng; 2.0 khách hàng thuộc đối tượng cơ sở lưu trú du dịch được giảm, với tổng số tiền được giảm là 26,98 tỷ đồng; 439 cơ sở điều trị bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã nhiễm virus SARS-CoV-2 được giảm với tổng số tiền giảm là 4,59 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, UBND các tỉnh sẽ tiếp tục hướng dẫn các cơ quan quản lý Nhà nước tại Trung ương và địa phương phối hợp với các đơn vị điện lực xác định nhanh danh sách các cơ sở lưu trú du lịch, các cơ sở điều trị, cách ly bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 thuộc diện được giảm gía điện, giảm tiền điện theo qui định.
Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra, giám sát đôn đốc các đơn vị điện lực thực hiện đúng các hướng dẫn về giảm giá điện, giảm tiền điện. Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tiếp tục chủ động giải quyết nhanh chóng, kịp thời tất cả các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng về chỉ số công tơ, hóa đơn tiền điện theo quy định; đảm bảo minh bạch, công khai và không để xảy ra phát sinh các thủ tục phiền toái cho người dân và doanh nghiệp khi triển khai thực hiện giảm gía điện, giảm tiền điện.