Thời gian qua, nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ, đồng thời thúc đẩy việc xác lập, bảo hộ phát triển tài sản trí tuệ, nhiều địa phương đã có bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định được vai trò của sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương trong cơ cấu kinh tế vùng nói riêng và cả nước nói chung.
Ứng dụng, phát triển tài sản trí tuệ - Góc nhìn từ Sơn La
Là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, Sơn La có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển nông nghiệp với các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao nhờ việc ứng dụng khoa học và công nghệ được đổi mới, bám sát yêu cầu thực tiễn phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nhiều tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn và miền núi được chuyển giao… Bên cạnh đó, Sơn La cũng đẩy mạnh việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù nhằm phát triển bền vững sản phẩm, tạo điều kiện tiếp thị và thâm nhập các thị trường trong nước và khu vực.
Ông Phạm Quang An, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La nhấn mạnh: Thời gian qua, Sơn La tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển cây ăn quả trên đất dốc, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững... Bên cạnh đó, triển khai mô hình sản xuất giống cà chua ghép và mô hình thâm canh cà chua ghép trái vụ cung cấp cho vùng đồng bằng Sông Hồng và mô hình sản xuất cà chua thương phẩm từ giống tạo ra được, mở rộng cung cấp cho chuỗi siêu thị ở Hà Nội...
Các nghiên cứu liên quan đến cây ăn quả đặc biệt theo hướng phát triển cây ăn quả trên đất dốc thay thế cây trồng kém hiệu quả được tập trung nghiên cứu trong thời gian qua như xây dựng mô hình sản xuất nhãn chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, thành phố Sơn La… Năm 2017-2018, sản phẩm nhãn Sông Mã đã được xây dựng nhãn hiệu chứng nhận và được cấp mã vùng xuất khẩu, được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan...
Ngoài ra, nhiều nông sản của Sơn La như: Chè Shan tuyết Mộc Châu, xoài tròn Yên Châu, cà phê Sơn La đều đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đó là sự khẳng định về danh tiếng và chất lượng của nông sản Sơn La với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đặc biệt, chè Shan tuyết Mộc Châu được đăng ký chỉ dẫn tại nước ngoài đã khẳng định uy tín, chất lượng, danh tiếng và giá trị chè Mộc Châu, mà còn tạo điều kiện đưa chè Mộc Châu đến với thế giới, nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm chè Mộc Châu trên thị trường quốc tế.
Ông Phạm Quang An, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La cho biết: Có thể nói, sản phẩm đặc thù, danh tiếng tại Sơn La mang hương vị đặc thù của Tây Bắc là cà phê Sơn La, cà phê Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đặc thù, chủ lực là cà phê Sơn La đã tạo cơ hội phát triển bền vững sản phẩm, thâm nhập nhiều thị trường trong nước và khu vực. Sơn La là vùng nguyên liệu cà phê Arabica lớn thứ 2 cả nước, diện tích hơn 20.000ha, sản lượng hơn 30.000 tấn/năm, được trồng tập trung tại các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Sốp Cộp và thành phố Sơn La. Cây cà phê đang trở thành một cây công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của người dân.
Cùng với việc bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương, Sơn La luôn chú trọng các quy trình công nghệ như công nghệ tưới nhỏ giọt Israel, từ việc ứng dụng tưới trên cà phê đến nay đã mở rộng tưới cho cây chè, rau, cây ăn quả. Công nghệ ghép chuyển đổi giống có năng suất chất lượng được ứng dụng rộng rãi, quy trình phục tráng các giống đặc sản được ứng dụng để bảo vệ và phát triển nguồn gen cây trồng quý của tỉnh như giống lúa nếp tan Mường Và, nếp tan Ngọc Chiến, xoài tròn Yên Châu… Công nghệ bảo quản và chế biến nông sản như: Rượu vang Sơn tra, rượu chuối, chuối sấy Yên Châu, sản phẩm rượu mận, mứt mận Mộc Châu, sản phẩm mật ong Sơn La, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất nước mắm từ cá nước ngọt lòng hồ thủy điện… tiếp tục được duy trì.
Phát triển chỉ dẫn địa lý – Tài sản địa phương
Những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang xác định ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, các mặt hàng nông sản Việt Nam nói chung, vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang nói riêng có cơ hội mở rộng thị trường, cạnh tranh bình đẳng bằng chất lượng sản phẩm, bảo đảm uy tín, danh tiếng dựa vào chỉ dẫn địa lý, bảo hộ sở hữu công nghiệp để hướng tới phát triển bền vững và khẳng định thương hiệu.
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: Vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm chủ lực của tỉnh, liên quan trực tiếp đến đời sống hàng chục nghìn hộ nông dân và là cây trồng xóa đói, giảm nghèo, làm giàu. Theo đó, Bắc Giang đã xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý "Lục Ngạn" cho sản phẩm vải thiều của tỉnh Bắc Giang gồm 2 dự án cấp nhà nước là Dự án Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn và Dự án Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý "Lục Ngạn" cho sản phẩm vải thiều của tỉnh Bắc Giang. Chỉ dẫn địa lý là căn cứ pháp lý quan trọng và lâu dài, góp phần làm tăng giá trị tích luỹ và phát triển thương hiệu vải thiều Lục Ngạn. Mặt khác, việc quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý Lục Ngạn cho sản phẩm vải thiều tỉnh Bắc Giang còn đóng góp vào việc nâng cao hình ảnh Bắc Giang nói riêng, Việt Nam nói chung trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.
Ngoài vải Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang có nhiều sản phẩm nông sản được cấp chỉ dẫn địa lý, gần đây nhất là ngày 20/7/2020, Cục Sở hữu trí tuệ có Quyết định số 2806/QĐ-SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm na dai "Lục Nam". Việc phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương đã làm thay đổi nhận thức, chuyển biến mạnh từ sản xuất tự phát, kém hiệu quả sang sản xuất hàng hóa có tổ chức, tích cực áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang cho biết: Hiện nay, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển tài sản trí tuệ, ứng dụng khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, điển hình trong sản xuất rau tại Bắc Giang. Các công nghệ về giống mới cũng được ưu tiên sử dụng như các giống lai F1 có độ đồng đều, năng suất cao hướng đến sản xuất rau an toàn theo VietGAP. Điển hình là dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo chuỗi liên kết tại tỉnh Bắc Giang".
Kỹ sư Ong Khắc Nở thực hiện dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo chuỗi liên kết tại tỉnh Bắc Giang" với mục tiêu ứng dụng thành công các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP xây dựng mô hình sản xuất trong nhà lưới và ngoài đồng ruộng theo chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; tạo lập thị trường rau an toàn nhằm phát triển ngành rau màu, nâng cao thu nhập cho người dân vùng dự án.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Thời gian qua, nhiều chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu độc quyền được cấp cho các địa phương khu vực phía Bắc như: Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho tỏi An Thịnh (Bắc Ninh) được cấp vào tháng 7/2020, văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm cà rốt của huyện Gia Bình (Bắc Ninh) cuối tháng 6/2020. Ngoài ra, nhiều địa phương đã được cấp chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm như: Bảo hộ chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò, vải thiều Thanh Hà, nhãn lồng Hưng Yên, na Chi Lăng…
Bài cuối: Giải pháp nâng cao hiệu quả