Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam vẫn đứng trước những thách thức, chưa có giải pháp để khuyến khích phát triển.
Đưa hệ thống chứng nhận, tiêu chuẩn, quy chuẩn vào sản xuất
Hệ thống canh tác nông nghiệp hữu cơ đã và đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới khi áp lực về lương thực giảm, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản và môi trường tăng. Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam vẫn đứng trước những thách thức khi chưa đẩy mạnh áp dụng bộ tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam dành riêng cho nông nghiệp hữu cơ vào phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến tiêu thụ. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế, chính sách, giải pháp để khuyến khích phát triển.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết đã ban hành bộ tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam dành riêng cho nông nghiệp hữu cơ. Đây là bộ tiêu chuẩn đầu tiên dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Bộ tiêu chuẩn này được thực hiện trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các nước có nền nông nghiệp hữu cơ phát triển như: Mỹ, EU, Nhật Bản...
Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam dành riêng cho nông nghiệp hữu cơ được xác định là cơ sở quan trọng để nông dân, các tổ chức, doanh nghiệp thực hành nông nghiệp hữu cơ áp dụng. Bộ tiêu chuẩn quy định đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ. Các tiêu chuẩn trong bộ tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam dành riêng cho nông nghiệp hữu cơ đưa ra các nguyên tắc chung về sản xuất hữu cơ tại các trang trại, từ giai đoạn sản xuất, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, ghi nhãn, marketing và đưa ra các yêu cầu đối với vật tư đầu vào như: Phân bón, yêu cầu về ổn định đất canh tác, kiểm soát sinh vật gây hại và bệnh cây trồng, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến.
Bộ tiêu chuẩn này bảo vệ người tiêu dùng tránh bị lừa dối, tránh gian lận trong thương mại và tránh công bố sản phẩm không có căn cứ; bảo vệ cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm hữu cơ trước việc các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo phương thức khác bị hiểu sai là hữu cơ. Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống quản lý sản xuất toàn diện nhằm đẩy mạnh và tăng cường sức khỏe sinh thái nông nghiệp, gồm cả đa dạng sinh học, các chu trình sinh học và năng suất sinh học. Nông nghiệp hữu cơ phụ thuộc vào khả năng từng vùng và nhấn mạnh đến việc quản lý các hoạt động canh tác, giảm thiểu việc dùng vật tư, nguyên liệu từ bên ngoài và có tính đến các điều kiện từng vùng, từng địa phương.
Các tiêu chuẩn này nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất hữu cơ nói riêng, góp phần tăng giá trị sản phẩm, tăng chất lượng sản phẩm, hàng lưu thông trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, ngành Nông nghiệp cần tăng cường áp dụng bộ tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam để thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến tiêu thụ.
Việc chứng nhận sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam có 3 hình thức chứng nhận là: Chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế, chứng nhận PGS, chứng nhận TCVN. Việt Nam có 50 doanh nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Ủy ban Hữu cơ Quốc gia (USDA) với nhiều sản phẩm như: Trà, hạt điều, dừa, artiso....18 doanh nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn USDA – NOP (Chương trình sản phẩm sạch của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) và 12 doanh nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn EC 834/2007 (Tiêu chuẩn của EU về sản xuất và dán nhãn hữu cơ).
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ
Tại hội thảo "Đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam" mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: Bộ đang xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030” nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thương mại hóa sản phẩm, đồng thời, mục tiêu của đề án hướng đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu đứng trong top 15 của thế giới về nông nghiệp hữu cơ.
Dự kiến, đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030” triển khai với tổng nguồn vốn khoảng hơn 36.000 tỉ đồng, chú trọng đến giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó là xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm trên phạm vi cả nước để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như hướng đến xuất khẩu. Dự kiến, trong quý IV/2019, Dự thảo sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, Việt Nam có khoảng 76.666 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đứng thứ 7 châu Á và thứ 3 trong các nước ASEAN. Nhưng xét trên tổng diện tích đất nông nghiệp là 26,8 triệu ha, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của cả nước còn khiêm tốn... Chăn nuôi lợn hữu cơ tại 12 địa phương có khoảng 64.200 con, sản lượng thịt hơi gần 6.000 tấn; chăn nuôi gà hữu cơ ở 6 địa phương với 273.000 con, sản lượng thịt hơi 922 tấn; chăn nuôi bò hữu cơ có hai tỉnh là Nghệ An và Lâm Đồng được các tổ chức quốc tế công nhận với sản lượng 3.500 con. Nuôi trồng thủy sản hữu cơ rất ít địa phương triển khai và chủ yếu theo hướng hữu cơ, sinh thái, đối với khai thác và đánh bắt chủ yếu dựa vào tiềm năng mặt nước ao hồ tự nhiên. Hiện tại, cả nước có 4 tỉnh có mô hình nuôi trồng thủy sản hữu cơ với tổng diện tích 134.800 ha.
Từ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp hữu cơ của các nước Liên minh châu Âu (EU), ông Olivier Catrou, Viện Quốc gia về Xuất xứ và Chất lượng (INAO), Bộ Nông nghiệp Pháp khuyến nghị cần có quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ để nông dân có thể sản xuất với số lượng lớn. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước cần cung cấp thông tin, cấp và quản lý chứng nhận; hỗ trợ nông dân sản xuất và chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn, bởi nếu quy trình của nông dân chưa được chứng nhận thì rất khó bán ra thị trường.
Ông Olivier Catrou cho rằng, tiềm năng xuất khẩu nông sản hữu cơ của Việt Nam sang châu Âu rất lớn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để người tiêu dùng tin tưởng sử dụng và đủ tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu vào châu Âu. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ mở ra tiềm năng để phát triển mạnh lĩnh vực này cho cả hai bên. Điều quan trọng là các nhà xuất khẩu cần tìm hiểu và cùng với cơ quan chức năng để đáp ứng được nhu cầu của nước nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định: Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm hữu cơ, đặc biệt là sang thị trường lớn châu Âu. Vì vậy, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần có sự quản lý chặt chẽ các tổ chức chứng nhận, đơn vị được giao trong việc giám sát kết quả chứng nhận.
Theo dự thảo Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030”, đến năm 2025, diện tích cây trồng hữu cơ đạt khoảng 1,5 – 3% tổng diện tích gieo trồng; chăn nuôi có 5 – 10% sản phẩm hữu cơ (riêng đối với ong và sản phẩm từ ong khoảng 40 – 50% hữu cơ); khoảng 2 – 3% diện tích nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ tương đương với 60.000 ha.
Đến năm 2030, diện tích cây trồng hữu cơ đạt khoảng 7 – 10% diện tích gieo trồng (riêng đối với các cây dược liệu, hương liệu và các sản phẩm từ thiên nhiên, diện tích hữu cơ đạt khoảng 40 – 50%), năng suất cây trồng hữu cơ đạt khoảng 95 – 100% năng suất cây trồng thường; vật nuôi có 5 – 10% sản phẩm hữu cơ; thủy sản có khoảng 7 – 8% diện tích tương đương với 100.000 ha cho sản lượng khoảng 500.000 tấn.