Theo bài viết, trong 50 năm qua, mức sống của các hộ gia đình Việt Nam đã cải thiện đáng kể, từ chỗ làm sao để đủ ăn sau khi trải qua nạn đói và suy dinh dưỡng đến nay đại đa số các hộ gia đình đã đủ thức ăn bổ dưỡng, ngon và an toàn. Không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, rau củ quả Việt Nam đã được xuất khẩu ra nước ngoài và tốc độ xuất khẩu tới các thị trường lớn khác ngoài Trung Quốc (thị trường nhập khẩu lớn nhất hiện nay) như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia đang tăng trưởng mạnh. Nhiều công ty xuất khẩu đang chuyển hướng sang các thị trường châu Âu vì các sản phẩm được hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và các thị trường này có nhu cầu ngày càng lớn đối với rau quả nhiệt đới.
Bài viết dẫn dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam chỉ ra kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang châu Âu năm 2021 đạt 303 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2020. Phía Việt Nam cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán để các loại trái cây tươi khác thâm nhập vào thị trường mới.
Để nắm bắt cơ hội, nhiều địa phương đang chuẩn bị các vùng trồng và nguồn nguyên liệu. Tỉnh Tiền Giang là nơi trồng cây ăn trái lớn nhất Việt Nam, đang tìm cách mở rộng các đồn điền để giúp tăng thu nhập và lượng xuất khẩu của nông dân. Tỉnh Gia Lai có kế hoạch tăng diện tích trồng chanh dây lên 20.000ha vào năm 2025, tăng gấp 5 lần so với diện tích hiện tại. Theo bài viết, để đảm bảo tính bền vững của hoạt động xuất khẩu trái cây và thâm nhập sâu hơn vào các thị trường truyền thống, thậm chí là thị trường cao cấp, yếu tố then chốt là phải đảm bảo sản xuất an toàn, góp phần nâng cao thế mạnh nông nghiệp của Việt Nam, qua đó củng cố vị thế là một trong những nước xuất khẩu trái cây tươi quan trọng của thế giới.