Phố núi ngập lụt
Mùa mưa năm 2023 có lẽ là thời điểm ghi nhận nhiều thiệt hại nhất của phố núi Đà Lạt do ảnh hưởng của tình hình thời tiết cực đoan. Tình trạng ngập lụt trên địa bàn thành phố xảy ra thường xuyên hơn và mức độ cũng nghiêm trọng hơn. Ghi nhận vào các tháng 6 - 8/2023, hiện tượng ngập cục bộ chủ yếu xảy ra tại khu vực dọc theo suối Cam Ly (dọc tuyến đường Phan Đình Phùng) và các hồ lắng quanh hồ Xuân Hương sau những trận mưa lớn.
Đây cũng là những khu vực có mật độ đô thị cao, nhà cửa, khách sạn, nhà hàng, quán ăn san sát dọc theo mặt đường. Thậm chí, nhiều vị trí hành lang bảo vệ công trình thoát nước và ao hồ đã bị người dân xây dựng công trình kiên cố, công trình tạm, nhà kính gây khó khăn cho việc tiêu thoát nước khi mưa lớn xảy ra.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, ngoài nguyên nhân là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lượng mưa tăng cao qua hàng năm thì tình trạng bê tông hóa, phát triển nhà lưới, nhà kính cũng tác động đến môi trường tự nhiên, môi trường sống của phố núi. Hiện nay, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tăng nhanh, mật độ xây dựng tăng cao. Trong khi các khu vực đất đô thị thì bị bê tông hóa bởi công trình xây dựng thì khu vực đất nông nghiệp, thậm chí đất rừng lại bị che phủ bởi nhà kính, nhà lưới khiến cho không gian dành cho nước và đất bị thu hẹp. Từ đó, làm giảm khả năng thấm nước vào đất, dẫn đến tình trạng ngập lụt cục bộ như thời gian qua.
Thống kê từ đầu năm đến tháng 8/2023, toàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 13 đợt mưa lớn gây ngập tại nhiều địa phương; trong đó, nhiều trận mưa đã gây ngập lụt cục bộ tại hàng loạt tuyến đường trung tâm và vùng ven của thành phố Đà Lạt. Hiện nay, tỉnh cũng còn 73 vị trí có nguy cơ bị ngập úng khi xảy ra mưa lớn.
Tiến sỹ Lương Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học và Biến đổi khí hậu (trường Đại học Đà Lạt, thành phố Đà Lạt) nhận định: Đối với Đà Lạt, biểu hiện rõ nhất của biến đổi khí hậu là vấn đề về nhiệt độ. Theo các nhà quan sát, trước đây nhiệt độ trung bình của Đà Lạt khoảng 18 độ C nhưng hiện nay đã tăng cao hơn nhiều. Trong khi đó, tác động của biến đổi khí hậu cũng khiến lượng mưa không theo quy luật thông thường mà có sự đột biến, diễn biến cục bộ; có những trận mưa rất lớn và dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ như thời gian qua.
Tiến sỹ Dũng phân tích thêm, ngoài biến đổi khí hậu thì tình trạng ngập úng cũng do một phần nguyên nhân từ cơ sở hạ tầng của đô thị chưa đáp ứng kịp, cộng với mặt trái của thực trạng nhà kính tăng mạnh như hiện nay. Không chỉ vậy, nhà kính còn gây ảnh hưởng đến cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường cục bộ. Đặc biệt là môi trường đất của Đà Lạt đang bị ô nhiễm nặng nề, hệ vi sinh vật trong đất bị hủy diệt.
Du khách “bội thực”
Không khó để nhận thấy, hiện nay khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt dày đặc những dãy nhà cao tầng, san sát nhau mà thiếu đi những mảng xanh, những không gian mở để “cân bằng” môi trường sống và cảnh quan. Tại khu trung tâm Hòa Bình, các tuyến phố chính như; Bùi Thị Xuân, Ba tháng Hai, Hoàng Diệu, Hồ Tùng Mậu, Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng… nhan nhản các tòa nhà khách sạn, nhà hàng, homestay mọc lên để phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Anh Nguyễn Văn Tú (du khách Bình Dương) cho hay, những năm trước gia đình anh hay đi Đà Lạt vài lần để nghỉ dưỡng và thưởng thức không khí trong lành, mát mẻ của Đà Lạt. Tuy nhiên năm nay, dù nghỉ hè nhưng gia đình anh cũng không muốn đến Đà Lạt nữa vì sợ xô bồ, đông đúc, không còn thơ mộng như xưa.
Thống kê mới nhất của ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng, trong dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua, lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng ước đạt 120.000 lượt. Tuy nhiên, lượng khách có sự dàn trải về một số địa phương quanh Đà Lạt chứ không tập trung hoàn toàn về phố núi như trước đây. Trong đó, thành phố Bảo Lộc - nơi chưa bị đô thị hóa nhiều, vẫn còn những đồi trà xanh mướt là một trong những lựa chọn của du khách trong dịp nghỉ lễ 2/9 với tổng lượng khách gần 30.000 lượt.
Theo bà Trần Thị Vũ Loan, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, định hướng của thành phố trong thời gian sắp tới sẽ đẩy mạnh xây dựng các mô hình du lịch chất lượng cao, du lịch canh nông. Đồng thời, tăng cường quản lý, không để xảy ra tình trạng tự phát mà đặt mục tiêu phát triển du lịch thân thiện với môi trường, cảnh quan, du lịch về văn hóa tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, hình thành một mạng lưới du lịch chất lượng cao, đặc biệt đối với môi trường sống và cảnh quan của Đà Lạt.
Tương tự, theo PGS. TS. Hồ Long Phi, Nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu thuộc Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, những thách thức của biến đổi khí hậu và đô thị hóa là cái giá phải trả cho sự phát triển của các đô thị. Đối với thành phố Đà Lạt hoàn toàn có thể biến các thách thức thành cơ hội và chiến lược và kế hoạch hành động phù hợp. Theo đó, chú ý đến nhiệm vụ bảo vệ, khôi phục và phát triển thân thiện với môi trường ở Đà Lạt. Thậm chí phải đặt ra tiêu chí cao hơn so với bình quân cả nước để vừa giúp thu hút lượng du khách cao cấp và giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu như hiện nay.
Bài 3: Triệt để loại bỏ dự án nguy cơ ô nhiễm