Một trong những vấn đề được các đại biểu dự hội nghị quan tâm là làm sao ngăn chặn phá rừng và quan trọng hơn là khôi phục rừng.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề xuất, bên cạnh lực lượng chính là kiểm lâm, việc quản lý bảo vệ, phát triển rừng cần có sự quan tâm, phối kết hợp từ chính quyền địa phương. Việc giao khoán quản lý rừng cho người dân cũng cần có những chế độ phù hợp đi kèm với các chế tài để hiệu quả hơn. Một số địa phương đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho điều chỉnh quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng phù hợp với hiện trạng để quản lý được sát, đúng hơn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn nhấn mạnh, phải thực hiện nghiêm Quyết định 17 của Thủ tướng về quy chế quản lý rừng. Đã là rừng phòng hộ thì cần phải quản lý chặt trước sự biến đổi khí hậu thời gian qua.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ông Nguyễn Quốc Trị cho rằng, cần phải bảo vệ và phát triển toàn bộ diện tích rừng hiện có theo hướng bền vững.
Để đạt được mục tiêu đó thì cần triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, vấn đề trọng tâm là tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm là: Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị trồng rừng sản xuất; Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; Phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; Phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, để thực sự nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho toàn dân, toàn xã hội cần điều chỉnh nhiều luật, quy định liên quan đến rừng; tăng cường các tiến bộ khoa học vào trong sản xuất lâm nghiệp và quản lý tài nguyên rừng bền vững...
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù có giảm so với năm trước nhưng số vụ vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý bảo vệ, phát triển rừng năm 2016 vẫn ở con số gần 10.500 vụ. Điểm đáng chú ý ở đây là diện tích rừng bị phá tập trung tại các khu vực rừng phòng hộ, gây nhiều hệ lụy và lo lắng cho người dân sống trong khu vực.
Các vùng trọng điểm về phá rừng, khai thác trái phép lâm sản năm 2016 được nhắc đến là Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên và Bình Định.
Ngoài ra, tại các địa phương khác, tình trạng phá rừng, khai thác, sử dụng đất lâm nghiệp trái phép chưa được giải quyết triệt để, dẫn đến nhiều hệ lụy đối với công tác quản lý bảo vệ rừng. Trong khi đó, diện tích trồng rừng tập trung: gồm rừng phòng hộ, đặc dụng và rừng sản xuất năm 2016 đến thời điểm này mới đạt hơn 72%; một số tỉnh chưa tiến hành trồng rừng...