Tuy nhiên, hạ tầng dịch vụ nghề cá, đặc biệt là hệ thống cảng cá trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động khai thác thủy hải sản.
Vất vả tìm nơi neo đậu
Gắn bó với nghề đi biển từ bé, anh Vũ Viết Cương, xã Hải Triều, huyện Hải Hậu luôn ước ao được sở hữu một chiếc tàu công suất lớn để vươn ra đại dương đánh bắt hải sản. Niềm mơ ước của anh Cương đã trở thành hiện thực khi Nghị định 67 của Chính phủ ra đời với chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép.
Năm 2016, chiếc tàu vỏ thép công suất 1.055CV với chi phí lên đến gần 14 tỷ đồng do anh Cương làm chủ chính thức xa khơi. Việc đánh bắt thủy sản bằng tàu công suất lớn mang lại hiệu quả, song anh Cương lại gặp phải nhiều khó khăn trong việc tìm nơi neo đậu tàu do các cảng cá tại Nam Định có quy mô nhỏ, cơ sở hạ tầng không đáp ứng được các tàu có công suất từ 1.000 CV trở lên.
Anh Cương cho biết, tàu của anh thường neo đậu tại cảng cá Ninh Cơ, huyện Hải Hậu, do luồng lạch tại đây bị bồi lắng nghiêm trọng nên tàu chỉ có thể vào cảng lúc triều cường đạt đỉnh, khi vào cảng được rồi lúc cho tàu ra cũng rất vất vả vì phải đợi lúc triều cường lên và tàu thuyền mới ra được. Mùa mưa bão phải cho tàu chạy vào sâu sông Ninh Cơ cách cảng cá từ 15 - 17km để tránh trú bão.
Theo ông Đỗ Quốc Vương, Chủ tịch UBND xã Hải Triều, huyện Hải Hậu, toàn xã có trên 100 tàu khai thác xa bờ với công suất từ 90 CV trở lên, hầu hết tàu đều neo đậu ngoài cảng cá Ninh Cơ. Các tàu không dám vào cảng vì sợ va chạm vào tàu khác dẫn đến hư hỏng. Do tàu đậu ở ngoài xa, một số chủ tàu phải thuê tàu nhỏ chở hải sản vào, chi phí cho mỗi chuyến đi vì thế cũng đội lên khá cao.
Theo Chi cục Thủy sản Nam Định, những năm gần đây, đội tàu có công suất lớn khai thác xa bờ tại tỉnh Nam Định ngày càng phát triển mạnh nhưng do hệ thống cảng cá còn khiêm tốn không đủ chỗ cho các tàu có công suất lớn neo đậu, do đó các tàu phải ở bên ngoài cảng hoặc phải đi neo đậu nhờ tại các cảng cá ở tỉnh khác.
Cần hiện đại hóa hệ thống cảng cá
Hiện trên địa bàn tỉnh Nam Định mới chỉ có 1 cảng cá và 3 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão; trong đó, có 1 cảng cá kết hợp khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cửa sông Ninh Cơ, huyện Hải Hậu; 1 khu khu neo đậu tránh trú bão cửa sông Ninh Cơ huyện Nghĩa Hưng và đang hoàn thiện 1 khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá Hà Lạn thuộc huyện Giao Thủy.
Ông Nguyễn Văn Mười, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Ninh Cơ cho biết, cảng cá Ninh cơ được xây dựng từ năm 2005 nên cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu không thể đón các tàu lớn vào neo đậu, bốc xếp hàng hóa. Tuy cảng cá đã có quy hoạch và thiết kế âu neo đậu cho các tàu vỏ sắt công suất từ 90 - 500 CV theo tiêu chí cảng cá loại 1 nhưng kinh phí vẫn chưa có do vậy dự án vẫn đang chờ vốn.
Hiện hệ thống cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại tỉnh Nam Định quá tải vì lượng tàu quá lớn. Cảng cá Ninh Cơ chỉ có thể tiếp nhận từ 140 - 150 tàu với công suất từ 300 - 500 CV; còn cảng cá Quần Vinh huyện Nghĩa Hưng mới đáp ứng được trên 200 tàu có công suất từ 90 - 300 CV, số tàu còn lại phải tự đi tìm nơi neo đậu tránh trú và rất nguy hiểm khi bão to gió lớn.
Theo bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, tỉnh đã triển khai Dự án Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp với bến cá cửa Hà Lạn, huyện Giao Thủy và khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cửa Ninh Cơ, huyện Nghĩa Hưng và đang đề xuất đầu tư dự án xây dựng cảng cá Quần Vinh, huyện Nghĩa Hưng để đáp ứng nhu cầu neo đậu, bốc dỡ hàng hóa. Tuy nhiên, nguồn vốn gặp nhiều khó khăn nên các dự án chậm tiến độ.
Ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, để nâng năng lực hoạt động của các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát dự án nâng cấp, xây dựng khu neo đậu tàu thuyền đã được phê duyệt để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng bảo đảm sự đồng bộ giữa phát triển đội tàu công suất lớn khai thác xa bờ với hoàn thiện hạ tầng cảng cá...