Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để giải quyết tranh chấp về đất rừng, cần sớm hoàn thành việc đo đạc, cắm mốc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thuê đất.
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thuê đất
Thực tế, sau 10 năm tiến hành đo đạc cắm mốc, giải quyết tranh chấp đất đai, cấp sổ đỏ theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, tới nay, công việc này vẫn còn dang dở. “Diện tích đất của các lâm trường trên bản đồ rất lớn nhưng diện tích thực sự để lâm trường sử dụng lại không nhiều. Tranh chấp về quyền sử dụng đất vẫn xảy ra phổ biến. Nếu giải quyết được vấn đề này thì mới có cơ sở để giao đất cho người dân”, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp- Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho biết.
Trồng rừng tái sinh tại xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang.Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN |
Để giải quyết những vướng mắc trong việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm trường, mới đây, ngày 12/3/2014, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 30-NQ/TW đề cập đến việc giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp đất rừng. Các công ty phải phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại cụ thể từng trường hợp để xử lý. Đến năm 2015 phải hoàn thành việc đo đạc, cắm mốc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thuê đất.
Theo các chuyên gia lâm nghiệp, việc triển khai nghị quyết này của Bộ Chính trị là rất đúng đắn, giúp cho rừng có chủ thực sự. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều tỉnh, thành phố, việc đo đạc, cắm mốc, xác định đất để chia cho người dân đòi hỏi nhiều kinh phí mà chính quyền xã thì không có nguồn chi cho công tác này.
Là một trong những người tham gia chương trình quy hoạch rừng tại Lào Cai trong thời gian qua, ông Vũ Hồng Điệp, Chi cục Kiểm lâm Lào Cai cho biết: “Năm 2010, tỉnh có Quyết định để rà soát, cắm mốc lại rừng, với tổng kinh phí dự kiến 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, tới nay dự án này vẫn chưa được cấp một đồng nào. Một số dự án phi chính phủ hỗ trợ người dân địa phương đã tiến hành rà soát cho thấy, mỗi xã cần khoảng 800 triệu đồng mới phân định được rạch ròi các khu đất rừng. Mà đây lại là số tiền rất lớn đối với các xã”.
Tương tự, ông Đinh Quang Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình cho biết, chính quyền biết mốc giới trên bản đồ và thực địa là khác nhau, nhưng không có tiền để tiến hành do đạc và chia lại đất. Do vậy, tình trạng bán trao tay trong dân sổ xanh diễn ra ở nhiều nơi. (Sổ xanh là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do lâm trường cấp để quản lý, khai thác và trồng rừng có thời hạn).
Gắn giao đất với quản lý rừng bền vững
TS Võ Đình Tuyên, Vụ Kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ cho rằng, để quản lý và bảo vệ rừng, cần thiết phải có chủ rừng thực sự. Muốn thu hút sự tham gia bảo vệ rừng của người dân địa phương, các chủ thể quyền lực của Nhà nước đã xây dựng nhiều quy chế, nhưng không đưa ra được thể chế về quyền tài sản để thúc đẩy việc thực hiện quy chế.
Theo Tổ chức chuyên nghiên cứu về rừng Forest Trends, tại một số địa phương, mô hình giao đất, giao rừng cho người dân đã được tiến hành thành công sau khi có sự thỏa thuận từ các bên.
Tại huyện Si Ma Cai (Lào Cai), 60% diện tích đất rừng của Ban Quản lý rừng (BQL) chồng lấn đất rừng của người dân và cộng đồng. Sau khi các bên ngồi lại với nhau đã đưa ra quyết định, những phần đất chồng chéo của BQL trên đất dân (gần 40 ha) thì đề nghị UBND tỉnh thu hồi từ BQL và giao cho dân.
Đối với đất chồng chéo lên đất rừng của cộng đồng thì tiến hành thu hồi gồm 23 sổ đỏ và sau đó được nghiên cứu để tiến hành giao lại cho các đối tượng này. Kiến nghị này đã được chấp nhận. Cuối năm 2012, đất rừng đã được thu hồi và giao lại cho người dân và cộng đồng bản Lùng Sán (xã Lùng Sui, Lào Cai) với tổng diện tích 124 ha, trong đó 78 ha giao cho hộ, 19 ha giao cho cộng đồng và 28 ha giao cho BQL.
“Cách thức giải quyết này đã đem lại sự hài lòng cho tất cả các bên liên quan. Và thực tế tới nay, phương án giao đất rừng kiểu này đang phát huy hiệu quả”, ông Tô Xuân Phúc, đại diện tổ chức Forest Trends cho biết.
Tiến sĩ Võ Đình Tuyên, Vụ Kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ cho biết: “Chính phủ đang soạn thảo nghị định hướng dẫn về vấn đề quản lý và bảo vệ rừng. Trong đó, việc cần thiết là phải xác định được ai là chủ rừng thực sự. Từ đó có hệ thống chính sách đồng bộ, rõ ràng, phục vụ cho việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng và nhận khoán đất và rừng để bảo vệ và phát triển rừng”.
Ông Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, quản lý đất rừng hiệu quả thì cần xác định rừng sẽ giao cho ai. Chủ rừng được giao phải có năng lực quản lý, sản xuất và phải là người lao động trực tiếp. Giao đất giao rừng phải đáp ứng chức năng mới là quản lý rừng bền vững. Vì vậy, cần làm sao để người dân làm chủ thực sự của rừng và đừng biến họ là lao động làm thuê.
Bên cạnh đó, để khuyến khích đầu tư vào rừng, ông Vũ Long, Chuyên gia chính sách lâm nghiệp cho rằng, Chính phủ cần xây dựng chính sách khuyến khích tích tụ đất đai, liên doanh liên kết, hình thành các tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi trong lâm nghiệp. Đó là giải pháp quan trọng nhất để thu hút vốn đầu tư xã hội vào trồng rừng sản xuất.
“Chính sách giao đất hợp tác xã cho người dân trong nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa gạo đã giúp Việt Nam từ một nước thiếu ăn, vươn lên thành một nền nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu. Vì vậy, chúng ta phải giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp này, tìm được người chủ thực sự của rừng”, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhận định.
H.V