Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - Hà Nội là công trình cấp đặc biệt do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án là Ban Quản lý dự án Thăng Long.
Dự án được khởi công tháng 6/2020, với tổng mức đầu tư 2.031 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 1.449 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 11L/29R (1A) và đường cất hạ cánh 11R/29L (1B); xây dựng mới các đường lăn thoát nhanh S3A, S5B, S6A; xây dựng, cải tạo, nâng cấp các đường lăn hiện hữu (S1, S1A, S2, S3, S4, S5, S5A, S6, S7); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, hệ thống thoát nước, sơn kẻ tín hiệu và các công trình phụ trợ đồng bộ.
Giai đoạn 1 của dự án hoàn thành, đưa vào khai thác từ ngày 1/1 để phục vụ Tết Nguyên đán 2021; giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2022.
Đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết, dự án hiện đã hoàn thiện 3.000 m đường cất hạ cánh 1B; nút đường lăn S7 (hạng mục sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước, đèn hiệu, biển báo) khai thác tạm 3.000 m đường cất hạ cánh 1B phục vụ cất cánh cho tàu bay A321, A320 khai thác từ ngày 1/1/2021 và cơ bản hoàn thiện các nút đường lăn S3, S3A, S4, S5, S5A, S5B, S6, S6B.
Trước đó, từ năm 2017, do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới với tải trọng lớn như A350-900, B787-9, B787-10, hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn của Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài bị xuống cấp nghiêm trọng. Nếu không được cải tạo, nâng cấp kịp thời có thể phải đóng cửa đường băng, dừng khai thác hoạt động bay tại cảng hàng không này.
Đường băng này sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ có tuổi thọ ít nhất 20 năm, thậm chí có thể lên tới 50 năm, nếu bảo dưỡng định kỳ theo đúng quy định.
Sau khi nâng cấp, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài sẽ tiếp tục tiếp nhận được các tàu bay Aibus A350, Boeing 787-9 hay 787-10, đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2030 đạt công suất 63 triệu khách/năm và 2 triệu tấn hàng hóa/năm.