Bắt đầu từ hôm nay (1/7), thị trường phát điện cạnh tranh (TTPĐCT) thí điểm chính thức đi vào vận hành.
Tại Lễ khởi động TTPĐCT thí điểm diễn ra tại Hà Nội, nhiều đơn vị phát điện cho rằng: TTPĐCT thí điểm sẽ tạo một "sân chơi" lành mạnh, không phân biệt đối xử với các đơn vị tham gia thị trường và tạo tín hiệu tốt nhằm thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước phát triển các nguồn điện mới.
Việc đánh dấu bước chuyển đổi ban đầu từ cơ chế hiện tại sang TTPĐCT cũng phải đáp ứng một loạt các điều kiện tiên quyết; trong đó ưu tiên hàng đầu là phải đảm bảo cung cấp điện liên tục, chất lượng cao với một mức giá hợp lý, phản ánh đầy đủ chi phí, dịch vụ ngày một tốt hơn cho khách hàng sử dụng điện. Đó chính là mục tiêu ngành điện Việt Nam đang hướng tới.
Hoàn tất công tác chuẩn bị Trước tiên phải khẳng định: thực hiện TTPĐCT là bước đầu tiên trong Lộ trình phát triển thị trường điện tại Việt Nam. Do vậy, cơ chế vận hành của TTPĐCT đã được Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới và xét đến các điều kiện đặc thù của hệ thống điện và ngành điện Việt Nam.
Trong suốt 2 năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phối hợp chặt chẽ với Cục Điều tiết điện lực và Tư vấn quốc tế tham gia soạn thảo nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến TTPĐCT chính thức tại Việt Nam như Quy định thị trường điện, Quy định lưới truyền tải, Quy định đo đếm và Quy định về khung giá phát và hợp đồng mẫu. Các quy định này đã được Bộ Công Thương ban hành qua các Thông tư phục vụ vận hành thị trường. Song song với việc soạn thảo các Quy định trên, trên cơ sở thiết kế TTPĐCT chính thức được phê duyệt, EVN đã hoàn thành nâng cấp và đưa vào sử dụng hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin giai đoạn 1 phục vụ thử nghiệm vận hành tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) và 69 nhà máy điện trực tiếp, gián tiếp tham gia thị trường điện.
Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Đặng Huy Cường cho biết, đến nay, các công tác chuẩn bị cho TTPĐCT đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng cho việc khởi động từ 1/7/2011 theo đúng chỉ đạo của Bộ Công Thương. Bộ Công Thương đã ban hành các Thông tư phục vụ vận hành thị trường. Cục Điều tiết điện lực đã ban hành các Quy trình kỹ thuật hướng dẫn thực hiện các Thông tư. Các khóa đào tạo cho các đơn vị tham gia cũng đã hoàn tất.
Về phía Tổng Công ty Điện lực VINACOMIN (Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV), Phó Tổng giám đốc Phạm Hồng Khánh cũng cho biết, để phục vụ TTPĐCT thí điểm, Tổng công ty đã triển khai tìm hiểu các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý, văn bản quy phạm pháp luật, đầu tư trang bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho việc chào giá và các hoạt động của thị trường; các vấn đề về tính toán tách giá điện, chuyển đổi hợp đồng và tiến hành chào giá; tính toán tách giá điện thành hai thành phần cố định và biến đổi theo yêu cầu của Công ty Mua bán điện đối với các nhà máy của Tổng Công ty. Các nhà máy trong TKV còn thành lập các tổ nhóm chuyên trách liên quan đến thị trường điện.
Theo Phó Tổng Giám đốc EVN Dương Quang Thành, để thực hiện các bước tiếp theo, thời gian tới, EVN tiếp tục hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin phục vụ vận hành TTPĐCT thí điểm và hoàn thành các quy định liên quan để vận hành TTPĐCT chính thức; đồng thời phối hợp với Cục Điều tiết điện lực và các đơn vị tham gia thị trường điện tiếp tục đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ tham gia vận hành.
Thực hiện qua 3 giai đoạn Thị trường điện là vấn đề mới và phức tạp nên theo các chuyên gia trong ngành điện, việc triển khai cần được thực hiện thận trọng từng bước. Kết quả vận hành thị trường thí điểm sẽ là cơ sở để điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn bản pháp lý, hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhằm chuyển sang vận hành TTPĐCT hoàn chỉnh. Đây là bước đi cần thiết giảm xuống mức thấp nhất các rủi ro có thể phát sinh khi chuyển đổi từ cơ chế hiện tại sang vận hành theo thị trường.
Do vậy, TTPĐCT thí điểm sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (bắt đầu vận hành từ 1/7) là chào giá, xếp lịch và tính toán thanh toán được thực hiện theo đúng các quy định vận hành TTPĐCT nhưng việc vận hành điều độ và thanh toán thực tế được áp dụng như hiện tại. Trên cơ sở kết quả thực hiện giai đoạn 1, Bộ Công Thương sẽ cân nhắc quyết định tiếp các giai đoạn sau. Theo đó, giai đoạn 2, chào giá, lập lịch và huy động thực tế theo bản chào và tính toán thanh toán theo thị trường, nhưng không thanh toán theo giá thị trường mà toàn bộ sản lượng điện năng được thanh toán theo giá hợp đồng. Giai đoạn 3, chào giá, lập lịch và huy động thực tế theo bản chào, tính toán thanh toán theo thị trường, đồng thời từng bước thực hiện thanh toán theo thị trường đối với các đơn vị phát điện có đầy đủ điều kiện.
Cục trưởng Đặng Huy Cường cho biết, khi bắt đầu thực hiện vận hành TTPĐCT thí điểm, trong tổng số 73 nhà máy điện có công suất đặt lớn hơn 30MW, sẽ có 48 nhà máy điện trực tiếp chào giá trên thị trường. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ có 55 nhà máy điện trực tiếp chào giá. Tổng công suất đặt của các nhà máy điện trực tiếp chào giá trên thị trường chiếm khoảng 61% công suất đặt toàn hệ thống điện. Các nhà máy BOT như Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 sẽ do Công ty Mua bán điện chào giá thay để đảm bảo bảo lãnh chính phủ và trách nhiệm thanh toán. Riêng các nhà máy thủy điện đa mục tiêu như Sơn La, Hòa Bình, Ialy... không tham gia chào giá trên thị trường và được vận hành trên cơ sở phối hợp tối ưu giữa chức năng phát điện với các nhiệm vụ chống lũ, tưới tiêu...
Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia Ngô Sơn Hải nhận định: trong giai đoạn thí điểm sẽ chưa có ảnh hưởng gì trong chi phí của hoạt động bán lẻ điện. Trước 10 giờ hàng ngày, các đơn vị phát điện phải chào giá ngày tới cho A0. Đến 15 giờ hàng ngày, A0 sẽ công bố lịch huy động của ngày hôm sau và đưa lên Trang thông tin điện tử thị trường điện tại địa chỉ: http://www.nldc.evn.vn . Trước mỗi giờ giao dịch (trong 24 giờ), các đơn vị phát điện có thể công bố các thông tin về công suất khả dụng, biểu đồ huy động ngày tới.
Những vấn đề đặt ra Theo ông Đặng Huy Cường, trong giai đoạn thí điểm, giá điện vẫn do nhà nước quản lý nên dù giá cả giao dịch giữa các đơn vị phát điện với Công ty Mua bán điện như thế nào đi nữa thì người tiêu dùng vẫn chỉ trả tiền điện theo biểu giá Nhà nước quy định.
Về cơ cấu tổ chức, Cục Điều tiết điện lực cho rằng việc vận hành TTPĐCT thí điểm sẽ không ảnh hưởng đến cơ chế quản lý, điều hành các nhà máy điện hiện tại. Nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng. Các nhà máy điện còn lại thuộc sở hữu của EVN sẽ được tổ chức lại thành các Tổng công ty phát điện độc lập nhằm tăng quyền chủ động, nâng cao khả năng cạnh tranh của các đơn vị này khi tham gia thị trường, đồng thời đảm bảo tính công bằng, minh bạch trên TTPĐCT. Trước mắt, các Tổng công ty phát điện này sẽ tiếp tục trực thuộc EVN.
Nêu lên những khó khăn trong quá trình tham gia TTPĐCT sắp tới, Phó Tổng Giám đốc Phạm Hồng Khánh cho biết, các nhà máy của Tổng công ty Điện lực VINACOMIN đều là những nhà máy mới; trong đó sớm nhất là Na Dương vận hành được gần 7 năm, gần đây nhất là Sơn Động và Cẩm Phả mới đưa vào vận hành năm ngoái, đội ngũ cán bộ còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên khó tránh khỏi những bỡ ngỡ khi tiếp cận và tham gia vào thị trường. Bên cạnh đó, với mục đích chủ yếu là giải quyết nguồn than xấu, khó tiêu thụ nhằm sử dụng tài nguyên khai thác một cách hiệu quả, các nhà máy của Tổng công ty đều có quy mô công suất nhỏ, bình quân là 100-200MW/nhà máy, nên sẽ gặp phải khó khăn nhất định khi chào giá phải cạnh tranh với những nhà máy có quy mô công suất lớn hơn rất nhiều trong hệ thống điện do các nhà máy này có suất đầu tư giảm và hiệu suất tăng nên tất nhiên có ưu thế về giá.
Nhiều đơn vị phát điện cũng nêu lên ý kiến: hiện nay hệ thống các văn bản pháp quy phục vụ thị trường điện đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, sau khi TTPĐCT đi vào hoạt động có thế nảy sinh những bất cập hoặc những yếu tố có ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển lành mạnh của thị trường. Ông Khánh kiến nghị: khi thị trường đi vào hoạt động, căn cứ tình hình thực tế, các cơ quan chức năng liên quan cần kịp thời điều chỉnh thông qua hệ thống văn bản hướng dẫn đến từng đối tượng tham gia thị trường.
Trong TTPĐCT, các đơn vị phát điện sẽ được quyền chủ động chào giá bán điện trên thị trường. Việc điều độ các nhà máy điện sẽ hoàn toàn căn cứ theo bản chào giá của các nhà máy theo nguyên tắc huy động các mức công suất của các nhà máy có giá chào từ thấp đến cao, đến khi đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện của cả hệ thống.
Giá thị trường được xác định theo các bản chào giá của các đơn vị phát điện, đưa ra tín hiệu phản ánh đúng cân bằng "cung-cầu" của hệ thống điện trong từng thời điểm trong ngày, trong mùa. Mức giá thị trường được áp dụng trong thị trường giao ngay của khâu phát điện, còn biểu giá bán lẻ điện cho các khách hàng vẫn tiếp tục do Nhà nước quản lý nhằm đảm bảo các mục tiêu kinh tế, cũng như an ninh xã hội.
Thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện sẽ thực hiện theo 2 cơ chế: 95% sản lượng điện năng được thanh toán theo hợp đồng mua bán điện giữa các nhà máy điện với Công ty Mua bán điện, 5% sản lượng điện còn lại sẽ thanh toán theo giá thị trường từng giờ. Tỷ lệ sản lượng điện năng thanh toán theo hợp đồng sẽ được xem xét, điều chỉnh hàng năm trên cơ sở đánh giá hiệu quả vận hành của thị trường và nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường phát điện.
Có thể khẳng định: việc đưa TTPĐCT thí điểm vào vận hành là bước phát triển quan trọng của ngành điện Việt Nam. Thành công của thị trường thí điểm sẽ là điều kiện cần thiết để chuyển sang vận hành TTPĐCT hoàn chỉnh (2014), tạo tiền đề phát triển lên Thị trường bán buôn cạnh tranh (2015-2022) và Thị trường bán lẻ cạnh tranh (sau 2022) theo đúng Lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Về lâu dài, khi thị trường điện được phát triển lên các cấp độ cao hơn, các khách hàng tiêu thụ điện sẽ có cơ hội được lựa chọn nhà cung cấp điện, cũng như được hưởng các lợi ích khác từ TTPĐCT./.
Mai Phương