Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2019 ước tính đạt 288,47 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu ước tính đạt 143,34 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Do đó, cán cân thương mại thặng dư 1,8 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,6 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 16,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,6 tỷ USD.
Cụ thể về xuất khẩu, khu vực kinh tế trong nước đạt 44 tỷ USD, tăng 12,2%, chiếm 30,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 101,13 tỷ USD, tăng 5,6%, chiếm 69,7% tổng kim ngạch.
Đáng chú ý, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng của khu vực kinh tế trong nước cao hơn tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước có xu hướng tăng lên, chiếm 30,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29%).
Trong số 24 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, có 4 mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD, trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 27,3 tỷ USD, chiếm 18,8% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,6 tỷ USD, tăng 14,9%; hàng dệt may đạt 18,3 tỷ USD, tăng 10,5%; giày dép đạt 10,4 tỷ USD, tăng 13,8%.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 32,5 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU đạt 24,3 tỷ USD, Trung Quốc đạt 20 tỷ USD, ASEAN đạt 15,2 tỷ USD, Hàn Quốc đạt 10,7 tỷ USD.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 42 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 26,6 tỷ USD; ASEAN đạt 18,8 tỷ USD; Nhật Bản đạt 10,5 tỷ USD; EU đạt 8,29 tỷ USD; Hoa Kỳ đạt 8,27 tỷ USD.