Có 9 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD
Cả năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 244,72 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017.
Có đến 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, 9 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD.
Có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD. Cụ thể là, điện thoại và linh kiện là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 50 tỷ USD, tăng 10,5%. Kế đến là hàng dệt may đạt 30,4 tỷ USD, tăng 16,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 29,4 tỷ USD, tăng 13,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,5 tỷ USD, tăng 28% và da giày đạt 16,3 tỷ USD, tăng 11%.
Ngoài ra, mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản, thủy sản ghi nhận có sự đột phá. Cụ thể, thủy sản đạt 8,8 tỷ USD, tăng 6,3%; rau quả đạt 3,8 tỷ USD, tăng 9,2%; cà phê đạt 3,5 tỷ USD, tăng 1,2%; gạo đạt 3,1 tỷ USD, tăng 16%.
Tuy nhiên, nhiều nhóm hàng chủ lực gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong quý 4/2018. Nhiều nhóm hàng có giá xuất khẩu giảm. Một số mặt hàng nông sản tuy lượng xuất khẩu tăng nhưng vì giá giảm nên kim ngạch giảm so với năm trước như hạt điều, cao su, hạt tiêu…
Theo Tổng cục Thống kê, trong số 40 nhóm hàng xuất khẩu chính có 13 nhóm hàng có chỉ số giá xuất khẩu giảm trong quý 4, trong đó giảm mạnh nhất là các nhóm: điện thoại di động giảm 7,61%; cà phê giảm 5,37%; thức ăn gia súc giảm 2,43%; sản phẩm từ hóa chất giảm 1,92%.
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa giảm trong quý IV/2018 do một số nguyên nhân chủ yếu như: Giá điện thoại di động giảm đáng kể so với quý trước do một số công ty sản xuất điện thoại di động lớn như Samsung sắp tung ra những sản phẩm mới nên đã giảm giá những mẫu điện thoại đã đưa ra thị trường trước đó, nhất là những mẫu sản phẩm từ năm 2017 như: Samsung Galaxy J6, Samsung Galaxy J7 và Samsung Galaxy S8.
Giá cà phê xuất khẩu tiếp tục giảm theo xu hướng của thị trường thế giới. Lượng cung cà phê trên thế giới dồi dào khi sản lượng của Colombia, Brazil được dự báo ở mức cao. Ngoài ra, các tỉnh Tây Nguyên đang vào vụ thu hoạch khiến nguồn cung trong nước dồi dào, đây cũng là nguyên nhân khiến giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giảm.
Giá hạt tiêu xuất khẩu tiếp đà giảm từ quý 3 do nguồn cung trong nước và thế giới vẫn dư thừa ở mức cao. Thời tiết thuận lợi khiến sản lượng hạt tiêu Việt Nam được dự báo cao hơn năm 2017. Đồng thời, sản lượng hạt tiêu tại các thị trường khác như Brazil, Indonesia, Malaysia, Campuchia… đạt mức cao nên nguồn cung trên thị trường thế giới dồi dào. Ngoài ra, chất lượng hạt tiêu của Việt Nam ở mức trung bình nên giá hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giảm.
Tuy nhiên tính chung cả năm 2018 chỉ số giá xuất khẩu vẫn tăng nhẹ 0,9% so với năm 2017. Như vậy có thể thấy các ngành hàng đã có sự nỗ lực rất lớn để tăng mạnh về sản lượng xuất khẩu, bù đắp cho giá thấp, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Đặc biệt là nhóm hàng nông sản được hỗ trợ bởi yếu tố lượng nên dù giá xuất khẩu không còn là yếu tố thuận lợi như giai đoạn trước nhưng kim ngạch không bị giảm tương ứng.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, con số xuất khẩu năm 2018 đạt được rất tích cực. Ngay từ đầu năm, chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu khá thận trọng, dưới 10%. Mức này được đặt ra khi đã tính đến những khó khăn của bối cảnh kinh tế toàn cầu. Nhưng thực tế, tăng trưởng xuất khẩu cả năm đã vượt khá cao so với mục tiêu đề ra. Trong một số lĩnh vực, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước khá khả quan.
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 258 tỷ USD
Ngay từ đầu năm 2019, một số ngành hàng đã nhìn thấy khó khăn. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2019, xuất khẩu chè sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn do cung vượt cầu trên thị trường thế giới. Nhiều quốc gia tiếp tục mở rộng khả năng sản xuất mà không chú ý đến thực tế nguồn cung đang lớn hơn nhu cầu.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính, năm 2018, lượng chè thặng dư khoảng 75.000 tấn và dự kiến sẽ tăng lên 128.000 tấn trong năm 2020. Do đó, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo, trong bối cảnh nhu cầu không tăng, để phát triển ngành chè cần nâng cao khả năng cạnh tranh về giá và chú ý đến chất lượng sản phẩm.
Tương tự với cà phê, dự báo, 6 tháng đầu năm 2019, thị trường cà phê toàn cầu vẫn phải chịu áp lực dư cung. Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định đến nhu cầu tiêu thụ cà phê. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Đánh giá về xu hướng thị trường năm 2019, Cục Xuất nhập khẩu cho hay, tăng trưởng toàn cầu, quy mô thị trường và nhu cầu hàng hóa giảm, hoạt động xuất nhập khẩu nước ta sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể, tình hình thương mại toàn cầu sẽ ảnh hưởng tiêu cực do Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện các giải pháp kinh tế để giảm nhập siêu, dần cân bằng cán cân thương mại. Nhiều nước sẽ gia tăng bảo hộ sản xuất trong nước một cách khắt khe. Trung Quốc liên tiếp thực hiện nghiêm các quy định siết chặt nhập khẩu nông sản khiến xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.
Giá nông sản không còn là yếu tố thuận lợi, nếu không giải quyết được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thì khó có thể có đột biến trong năm 2019. Xuất khẩu dầu thô có khả năng giảm do sản lượng khai thác giảm. Xuất khẩu điện thoại và điện tử chạm ngưỡng công suất…
Bộ Công Thương đặt mục tiêu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 258 tỷ USD. Đây là mức tương đối thách thức trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Cục Xuất nhập khẩu đã đưa ra một số giải pháp chính để tăng xuất khẩu trong năm 2019, bao gồm: phát triển sản xuất và tạo nguồn hàng chất lượng để đảm bảo quy mô cho xuất khẩu; phát triển và mở cửa thị trường; tổ chức tốt hoạt động xuất khẩu và liên kết chuỗi sản xuất, chế biến.
Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung nâng cao hiệu quả kết nối, phối hợp đồng bộ với các đơn vị giải quyết vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như chống trợ cấp, chống bán phá giá… Xúc tiến thương mại sẽ đi sâu vào các mặt hàng chủ lực trong từng giai đoạn chứ không dàn trải như hiện nay để đưa sản phẩm Việt Nam đến nhiều thị trường trên thế giới.