“Thung lũng Silicon”
Đề án mô hình Thung lũng Silicon là một trong những “điểm sáng” đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Mô hình này hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm trong điều hành, thành lập doanh nghiệp cũng như gỡ rối trong quá trình phát triển. Là một trong 9 nhóm khởi nghiệp được chọn tham gia, công ty Tech Elite đã thành công với các sản phẩm trên nền Internet như: ThiOnline - hệ thống thi công chức trực tuyến được nhiều bộ, ngành và các tỉnh, thành sử dụng hay BigTime - sản phẩm hỗ trợ đăng ký tham dự các sự kiện từ quy mô vài trăm đến vài chục nghìn người. Giám đốc Tech Elite Phạm Kim Hùng cho biết: Tham gia Đề án mô hình Thung lũng Silicon, công ty có cơ hội tiếp cận, được các doanh nhân giới thiệu khách hàng là các nhà đầu tư lớn, kết quả công ty đã được ba nhà đầu tư rót vốn để mở rộng kinh doanh.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp rất cần một môi trường thuận lợi để phát triển. Ảnh: khoahocphattrien.vn |
Không chỉ Tech Elite, nhiều doanh nghiệp như: VnPlay, LOZI, Viet Creative… cũng đã khởi nghiệp thành công sau khi được tiếp cận các chương trình hỗ trợ của Bộ KH&CN, tìm kiếm được nguồn đầu tư và tìm được giải pháp cải tiến, phát triển sản phẩm đưa ra thị trường.
Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp bằng KH&CN cũng đã hình thành từ vài năm gần đây, nhưng chưa có nhiều thành công, bởi rất thiếu các điều kiện ban đầu như văn phòng, nhân lực, nguồn vốn, mô hình kinh doanh… Vì phần lớn mới tốt nghiệp đại học hoặc vẫn đang là sinh viên, nên doanh nghiệp trẻ luôn gặp nhiều khó khăn để biến ý tưởng trở thành sản phẩm thực sự và rất cần được hỗ trợ từ các cơ quan chức năng.
Nhiều chính sách thiết thực hơn
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, cho biết: Để xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp phải thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc nâng cao chất lượng, quy mô và sự liên kết giữa các tổ chức, cá nhân. Khi Nhà nước tham gia vào hoạt động đầu tư mạo hiểm này có thể mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và kinh tế quốc gia như công nghệ sinh học, vật liệu mới… mà hiện nay các nhà đầu tư tư nhân chưa mấy “mặn mà”.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, bên cạnh các chương trình đã và đang triển khai, Bộ KH&CN vừa trình Chính phủ “Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, sẽ thông qua trong thời gian tới. Trong đề án này, Bộ sẽ nghiên cứu, xem xét ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cần thiết để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khuyến khích hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực; hỗ trợ tài chính cho các ý tưởng, dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp… Cụ thể, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như miễn, giảm thuế; đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ đào tạo, tài chính.
Ông Phạm Hồng Quất cho biết thêm: Sắp tới chương trình hỗ trợ dựa trên hệ thống mạng điện tử của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN sẽ ra đời. Tại đó chương trình sẽ cung cấp đầy đủ tất cả các thông tin cần thiết liên quan đến khởi nghiệp. Đặc biệt bộ cũng sẽ tổ chức các lớp huấn luyện chuyên về kinh doanh; dựa trên nhu cầu của các doanh nghiệp, sẽ thành lập không gian làm việc chung, ở đó có các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến để trao đổi thông tin, hỗ trợ thường xuyên.
Cũng theo ông Quất, Bộ đã có chính sách quan tâm và hết sức tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên thời gian tới cần có những chính sách “cởi mở” hơn nữa, nên đưa vấn đề đầu tư mạo hiểm vào luật để doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn đầu tư. Bên cạnh đó, cũng cần tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp có thể liên kết với các viện, trường trong việc ứng dụng các thành quả nghiên cứu KH&CN, cần tổ chức thường xuyên các sự kiện để tuyên truyền các mô hình đã thành công.