Bởi vậy, cần có giải pháp tổng thể và dành nguồn lực đủ mạnh cho vấn đề này. Nội dung này tiếp tục ghi nhận các ý kiến quan tâm của các đại biểu trong sáng 3/11, bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Đoàn Hải Phòng): Cần xem xét kết quả giám sát an toàn hồ đập
Tôi cho rằng vấn đề an ninh nguồn nước và quản lý an toàn hồ, đập rất quan trọng. Những năm qua, Việt Nam đầu tư một lượng kinh phí rất lớn để xây dựng các hồ chứa nước, đập thuỷ điện, công trình thuỷ lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng kinh tế khác nhau, đặc biệt cho các vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn.
Các công trình này đã đóng góp tích cực cho hoạt động kinh tế - xã hội, cũng như thúc đẩy tăng trưởng tại địa phương, đóng góp cho sự phát triển của cả nước.
Tuy nhiên, do ngân sách còn hạn hẹp nên kinh phí để đầu tư, duy trì, bảo dưỡng và có thể kiên cố hoá nhóm các công trình này còn chưa đáp ứng được thực tế.
Chính việc xảy ra sạt lở đất ở miền Trung vừa rồi xuất phát từ một số vấn đề về mất an toàn thuỷ điện. Các đại biểu cũng như cử tri mong muốn trong kỳ họp này Quốc hội xem xét kết quả giám sát an toàn hồ đập và sau thảo luận sẽ có quyết sách cùng Chính phủ có giải pháp đồng bộ hơn.
Bên cạnh đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần sớm xây dựng Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Quốc hội xem xét sớm nhất. Trên cơ sở đó, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập; đồng thời, bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho mục tiêu này.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau): Đánh giá lại việc lấy diện tích rừng xây các hồ đập
Trong các đợt mưa lũ, các hồ phải xả lũ bởi nếu không xả sẽ vỡ bờ bao. Đây là vấn đề chúng ta cần tính toán đầy đủ. Theo đó, tránh vì lợi ích trước mắt để phát triển kinh tế - xã hội trong 5 - 10 năm mà có thể mất sạch những tài sản đã tích lũy chỉ sau một trận lũ.
Như các trận lũ vừa qua đã gây ảnh hưởng lớn, phá huỷ toàn bộ những thành quả đã tạo dựng, tích luỹ trong suốt thời gian qua. Tổn thất này không chỉ về tài sản mà nghiêm trọng hơn cả là sinh mạng con người.
Vì vây, chúng ta cần tính toán, cân nhắc giữa cái lợi cái hại. Còn về mặt chủ trương, vẫn nên xây dựng các hồ chứa để tích nước, điều tiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội chung.
Tuy nhiên, thời gian tới, cần đánh giá lại việc lấy diện tích rừng xây các hồ đập để cùng lúc đảm bảo các mục tiêu vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa giảm nguy cơ đáng tiếc xảy ra về người và tài sản.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu): Xây dựng chiến lược an toàn hồ đập trong dài hạn
Nguồn sửa chữa đối với các hồ đập đã xuống cấp, ngân sách năm 2021 đã được Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội đề cập rõ. Và đề xuất cần bố trí ngân sách trong thời gian tới với 200 hồ đập ở 33 tỉnh, thành đang xuống cấp nặng.
Tuy nhiên, trên thực tế, nội dung liên quan đến hồ đập cần phải được tính toán rõ, để vừa phù hợp nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn.
Có nhiều tỉnh, quản lý hồ đập vừa và nhỏ giao cho UBND cấp xã thực hiện. Đối với hồ đập thuỷ điện lớn có quy định rất chặt chẽ, có quan trắc nhưng đối với hồ đập quy mô vừa và nhỏ nhiều nơi giao cho cấp huyện, rồi cấp xã, tổ đội nhóm thực hiện… Điều này tôi cảm thấy không an tâm mà thay vào đó cần phải có sự quản lý chung.
Theo đó, Chính phủ cần chấn chỉnh việc phân cấp này sao cho quản lý hồ đập tuân thủ đúng quy định, đảm bảo sự an toàn tối đa.
Cùng đó, sự phối hợp với đơn vị quản lý hồ và chính quyền địa phương trong việc xã lũ cần chặt chẽ để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Vấn đề đặt ra là cần phải rà soát và có những quy định chặt chẽ hơn.
Quốc hội nên xây dựng chiến lược an ninh nguồn nước đảm bảo an toàn hồ đập cho giai đoạn dài hơi hơn. Như vậy, vừa có cơ sở thực hiện, vừa có cơ sở trong phân bổ nguồn lực liên quan đến nội dung này.