Liên quan đến dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư này, bên lề Kỳ họp, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) về tiến độ dự án và tầm quan trọng của đầu tư công đối với các công trình giao thông.
Đại biểu đánh giá thế nào về tiến độ hiện nay của Cảng hàng không quốc tế Long Thành?
Cảng hàng không quốc tế Long Thành không chỉ đóng vai trò tạo kết nối về giao thông, phát triển ngành hàng không mà còn mở ra không gian phát triển mới cho vùng Đông Nam bộ và cả nền kinh tế.
Thời gian qua, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội, Chính phủ nỗ lực triển khai và các tổ công tác, đoàn làm việc của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ thường xuyên kiểm tra, thúc đẩy công trình này nhằm đáp ứng mục tiêu, tiến độ đề ra.
Tuy nhiên, dự án đang gặp một số khó khăn nhất định về tiến độ, công tác đền bù và thu hồi đất. Thực tế, bất cứ dự án nào liên quan thu hồi đất sẽ có khó khăn nhất định.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), hy vọng có thể giải quyết được các vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nói chung và tháo gỡ vấn đề này tại Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành nói riêng. Hiện nay, quyết tâm về chính trị, nỗ lực hoàn thành đối với dự án này là rất lớn.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án công trình giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy cơ cấu kinh tế, tạo ra năng lực cạnh tranh cho vùng kinh tế cũng như cả nền kinh tế. Ông đánh giá thế nào về việc Chính phủ đang xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ?
Chúng ta nghe về cơ chế đặc thù rất nhiều, nhưng chúng ta cũng cần thông cảm trong việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù. Vì nếu phải điều chỉnh luật cần thời gian nhất định, trong khi 63 địa phương, tỉnh thành phố có tính chất riêng, mỗi dự án cũng có đặc thù riêng.
Việc Quốc hội có nghị quyết về cơ chế đặc thù để thúc đẩy kết nối giao thông, đặc biệt là hạ tầng giao thông hiện nay, là điều chúng ta cần đẩy mạnh triển khai. Việc này cũng thể hiện sự năng động, linh hoạt, đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Theo đại biểu, việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đóng vai trò như thế nào đối với tăng trưởng kinh tế?
Tình hình thế giới đang tác động bất lợi đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Trong 3 động lực tăng trưởng, xuất khẩu đang gặp khó khăn trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.
Về động lực tiêu dùng, đời sống người dân sau 2 năm đại dịch COVID-19 và tiếp theo là vấn đề lạm phát bởi tác động từ cuộc xung đột địa chính trị Nga – Ukraine và tại dải Gaza khiến thu nhập người dân giảm sút. Như vậy, tổng cầu, kích thích tiêu dùng là động lực thứ hai cũng gặp hạn chế nhất định.
Lúc này, động lực thứ ba là đầu tư; trong đó, đầu tư công có tính chất quyết định và dẫn dắt đầu tư tư nhân và vốn nước ngoài còn dư địa nên cần cơ chế đặc thù, nhất là cho hạ tầng giao thông, giúp thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Khi giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội về môi trường, văn hoá, giáo dục, hạ tầng số cũng được giải quyết. Thêm nữa, các dự án này sẽ thu hút nguồn lao động đang thất nghiệp, từ đó lan toả đến vốn đầu tư xã hội, kích thích tăng trưởng kinh tế.
Đầu tư công là động lực quan trọng, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, vùng và cả nền kinh tế.
Xin cảm ơn đại biểu!