Hiện nay, có nhiều loại nông sản của nông dân địa phương tiếp tục vào vụ thu hoạch rộ, cần được kết nối tiêu thụ. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, một số loại cây ăn trái có sản lượng lớn đang thu hoạch hoặc sắp thu hoạch như: khoảng 660 tấn nhãn tập trung chủ yếu ở huyện Bình Đại, Châu Thành và Chợ Lách; 300 tấn chôm chôm; khoảng 50 tấn sầu riêng chủ yếu ở 2 huyện Châu Thành và Chợ Lách. Riêng bưởi da xanh sản lượng khoảng 1.200 tấn phân bố tại các huyện trong tỉnh.
Trong tháng 8 còn có nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản đến thời điểm thu hoạch. Cụ thể, có 295 tấn sò huyết ở huyện Thạnh Phú và khoảng 100 tấn dưa hấu, 60 tấn đậu phộng của huyện Bình Đại đến thời điểm thu hoạch. Hiện tất cả các mặt hàng trên đều chưa có thương lái thu mua, đang cần kết nối tiêu thụ. Huyện Ba Tri đang có khoảng 62.000 quả trứng gà cần tiêu thụ; huyện Mỏ Cày Nam trong những ngày tới dự báo có khả năng tồn từ 13-14 triệu trái dừa…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất, tiêu thụ nông nghiệp của người dân trên địa bàn; thường xuyên rà soát, cập nhật và kịp thời đề xuất giải pháp hỗ trợ người dân khi có khó khăn về tình hình tiêu thụ nông sản; cập nhật danh sách đầu mối cung ứng một số sản phẩm nông sản; phối hợp, rà soát các sản phẩm nông sản có sản lượng lớn đang thu hoạch hoặc sắp thu hoạch; xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho người dân, hạn chế tồn đọng, ùn ứ trong thời gian tỉnh tiếp tục thực hiện giãn cách.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho hay, chủ trương chung của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bến Tre là giai đoạn 2 thực hiện giãn cách sẽ chặt chẽ hơn, xử lý nghiêm các vi phạm để đảm bảo việc thực hiện Chỉ thị 16 đạt kết quả tốt hơn, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Vì vậy, các địa phương trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm phòng, chống dịch; đồng thời đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt. Việc cung ứng hàng hóa tiếp tục đảm bảo tối đa; xem xét thực hiện việc đi chợ thay cho dân, nhất là các địa bàn đông dân cư.
Các địa phương quan tâm đảm bảo an toàn cho chợ dân sinh, ưu tiên test nhanh cho tiểu thương buôn bán tại chợ. Các đầu mối, người thu gom, vận chuyển hàng hóa nhỏ lẻ từ cơ sở thu gom đến cơ sở chế biến phải đảm bảo test nhanh âm tính. Đối với việc tiêu thụ, những nông sản nào có thể neo lại, chờ thu hoạch sau thì cơ quan chức năng cần có hướng dẫn kỹ thuật để người dân thực hiện đảm bảo năng suất, chất lượng. Đối với những nông sản không thể kéo dài thời gian thu hoạch cần tiếp tục kết nối với các đầu mối sẵn có; đồng thời mở rộng kết nối tiêu thụ đến các tỉnh mà tình hình dịch bệnh đã ổn định - ông Cảnh yêu cầu.
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre và các tổ chức chính trị xã hội đã tích cực hỗ trợ liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tuy nhiên, việc tiêu thụ vẫn còn chậm và giá bán của các mặt hàng nông sản khá thấp; thương lái thu mua hàng nông sản tại địa phương đã ngưng hoặc thu mua hạn chế do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Từ ngày 20/7 đến ngày 31/7, tỉnh Bến Tre có hơn 1.833 tấn trái cây các loại (cam, bưởi, chôm chôm, mít...); 952.056 trái dừa uống nước và 460.556 tấn dừa công nghiệp được tiêu thụ.