Du khách tham quan các gian hàng trái cây tại Lễ hội cây - trái cây ngon, an toàn tại huyện Chợ Lách, Bến Tre, ngày 15/6. |
Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp của tỉnh Bến Tre khoảng 180.000 ha, chiếm gần 80% diện tích đất tự nhiên; trong đó, diện tích trồng cây ăn trái trên là 30.000 ha, gồm diện tích trồng bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, dừa...Mặc dù nhắc đến Bến Tre là mọi người sẽ nghĩ đến dừa, sầu riêng, hoa kiểng Cái Mơn, chôm chôm... nhưng nhiều người còn ít quan tâm đến thương hiệu của các loại nông sản .
Ông Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre cho rằng, đối với các mặt hàng nông sản, muốn thâm nhập vào thị trường xuất khẩu, điều đầu tiên là phải xây dựng thương hiệu hàng hóa. Thương hiệu đang trở thành một chủ đề được các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội thương mại quan tâm một cách đặc biệt. Để tạo nên thương hiệu của các sản phẩm gắn liền với tỉnh Bến Tre, sản phẩm đó trước tiên phải được chứng nhận nhãn hiệu, tăng uy tín trên thương trường, xây dựng được hình ảnh tốt đẹp và "ăn sâu" vào tiềm thức người tiêu dùng.
Trong những năm gần đây, Bến Tre rất quan tâm đến việc xác lập quyền cho các sản phẩm đặc sản của địa phương. Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre đã hỗ trợ tra cứu cho các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa được trên 500 lượt... Đến nay, đã có nhiều loại trái cây ở tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa như: Sầu riêng cơm vàng hạt lép Chín Hóa (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách), bưởi da xanh của hộ ông Đỗ Văn Rô (xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc )... Ngoài ra, từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã xây dựng và phát triển trên 20 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý.
Theo ông Trần Giang Khê, phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhãn hiệu tập thể có nhiều ưu điểm nổi bật và phù hợp với nhiều địa phương, đơn vị trong điều kiện hiện nay, như: Có thể đăng ký bảo hộ được cả sản phẩm lẫn dịch vụ; việc chuẩn bị các điều kiện để đăng ký không phức tạp, tốn kém như hình thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, việc quản lý nhãn hiệu tập thể không quá phức tạp vì chủ yếu do tổ chức tập thể là chủ nhãn hiệu thực hiện, cơ quan nhà nước không phải tham gia nhiều vào công tác quản lý nhãn hiệu sau khi được đăng ký. Một ưu điểm nữa của bảo hộ và khai thác nhãn hiệu tập thể là thông qua công tác này có thể tập hợp, phát huy được sức mạnh tập thể, cộng đồng cùng tham gia vào việc khai thác, bảo vệ giá trị truyền thống của địa phương, vùng miền. Qua đó, các thành viên trong cộng đồng có thể hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu.
Tuy nhiên, theo nhận định của các đại biểu, hiện nay các nhãn hiệu tập thể sau khi đăng ký chưa được sử dụng nhiều trên thực tế và hiệu quả của việc bảo hộ chưa được khai thác một cách hợp lý. Nguyên nhân là do việc sản xuất sản phẩm vẫn ở phạm vi manh mún, nhỏ lẻ, kinh doanh sản phẩm vẫn theo phương thức truyền thống, hàng hóa chủ yếu tiêu thụ trong phạm vi hẹp, một số thành viên tập thể chưa có nhu cầu gắn nhãn hiệu tập thể lên sản phẩm để đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, do chủ sở hữu nhãn hiệu chưa tìm ra mô hình quản lý nhãn hiệu tập thể thích hợp dẫn đến một số nhãn hiệu tập thể chưa được sử dụng hiệu quả.
Để các sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu và được phổ biến rộng, ông Dương Thành Long, Giám đốc Công ty tư vấn Luật kinh doanh và sở hữu trí tuệ Aliat legal Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cơ quan quản lý cần thường xuyên tổ chức hội chợ, hội nghị để giới thiệu sản phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đến với đông đảo người tiêu dùng. Song song với các hoạt động quảng bá mang tính truyền thống như trên, việc quảng cáo có thể linh hoạt kết hợp với các thông tin đại chúng hiện đại hơn như quảng cáo trên website riêng, facebook...
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần phối hợp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, hỗ trợ đào tạo kỹ thuật để giúp người dân đảm bảo chất lượng theo đúng bản mô tả tính chất, chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, từ đó góp phần vào việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, củng cố niềm tin với người tiêu dùng.
Cũng theo ông Dương Thành Long, ngay từ khâu xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, các đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý cần có kế hoạch xây dựng chuỗi liên kết giữa các nhà sản xuất với các đơn vị tiêu thụ, cũng như dự trù trước các kênh phân phối sản phẩm ra thị trường, tránh tình trạng bị động khi nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được xây dựng, tạo lập xong nhưng kế hoạch khai thác, phát triển chưa có hoặc chưa được hoàn thiện.