Theo ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV, báo cáo là kết quả nghiên cứu nghiêm túc, công phu, khoa học, có chiều sâu của Nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia ADB và BIDV. Báo cáo được xuất bản bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh để phục vụ tốt nhất nhu cầu tham khảo của các tổ chức, cá nhân và nhà đầu tư trong và ngoài nước mong muốn tìm hiểu đầy đủ và toàn cảnh về hệ thống tài chính Việt Nam.
“Đây là lần đầu tiên một định chế tài chính Việt Nam phối hợp với ADB thực hiện báo cáo đánh giá toàn cảnh thị trường tài chính Việt Nam bao gồm các lĩnh vực Ngân hàng – Chứng khoán – Bảo hiểm”, ông Trần Phương nhấn mạnh.
Báo cáo tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022” tập trung phân tích thực trạng thị trường tài chính thế giới và Việt Nam trên 3 trụ cột chính là: ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm trong năm 2021 và triển vọng trong năm 2022, qua đó nhận diện những thuận lợi và khó khăn mà hệ thống tài chính Việt Nam sẽ đối mặt, đề xuất các chính sách và giải pháp nhằm tận dụng những cơ hội và tháo gỡ những rào cản đó.
Cụ thể, nhìn lại năm 2021, báo cáo nhận định kinh tế thế giới phục hồi khá nhanh (tăng 6,1% từ mức -3,1% năm 2020) cùng với lạm phát tăng nhanh (3,8% từ mức 2% năm 2020) do đa số các nước mở lại hoạt động kinh tế - xã hội nhờ độ bao phủ vaccine và khả năng thích ứng của Chính phủ, người dân và doanh nghiệp. Thị trường tài chính toàn cầu tiếp đà phục hồi nhanh hơn trong bối cảnh bình thường mới và niềm tin được củng cố.
Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam phục hồi khá nhanh nhờ thay đổi chiến lược phòng chống dịch phù hợp, mở cửa trở lại từ đầu quý IV/2021, tăng trưởng quý IV/2021 đạt 5,22% (từ mức -6,02% quý III/2021), giúp tăng trưởng cả năm đạt 2,58%, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 1,84%.
Thị trường tài chính Việt Nam duy trì đà tăng trưởng tích cực nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, một số chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được triển khai…
Năm 2021, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trên cả 3 sàn (HOSE, HNX, UPCOM) tăng 49,5%. Lợi nhuận trước thuế của 29 ngân hàng thương mại, chiếm đến 80% thị phần, tăng gần 32%, chi phí hoạt động giảm 15%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên mức 152% (từ mức 105% năm 2020) trong khi ngành ngân hàng tiếp tục các chương trình cơ cấu lại nợ và hỗ trợ khách hàng chịu tác động bởi dịch COVID-19 (khoảng 52 nghìn tỷ đồng năm 2021 và 20-25 nghìn tỷ đồng năm 2022)...
Với thị trường chứng khoán, năm 2021 chỉ số chứng khoán VN-Index tăng 35,7%, vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 48,4%, thanh khoản thị trường tăng 253%; huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 757 nghìn tỷ đồng (tăng 62%), trong đó phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 657 nghìn tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2020; lượng nhà đầu tư mới đạt kỷ lục (1,5 triệu tài khoản), gấp gần 1,5 lần tổng số của 4 năm trước đó…
Thị trường bảo hiểm duy trì đà tăng doanh thu (đạt 217 nghìn tỷ đồng năm 2021, tăng gần 19% so với mức tăng 14% năm 2020), lợi nhuận ròng của các công ty kinh doanh bảo hiểm niêm yết tăng 19%...
Tuy nhiên, thị trường ngân hàng cũng xuất hiện rủi ro như nợ xấu tiềm ẩn gia tăng, tội phạm tài chính tăng; thị trường chứng khoán sau giai đoạn phát triển nhanh đang có những điều chỉnh giảm điểm, xuất hiện thao túng giá, vi phạm công bố thông tin, cho vay ký quỹ tăng nhanh, nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính nhiều, tâm lý đám đông dẫn dắt… Những rủi ro này đã được các cơ quan quản lý nhận diện và đang có những chính sách, giải pháp khắc phục nhằm ổn định, lành mạnh hóa thị trường.
Bước sang năm 2022, TS. Cấn Văn Lực cho biết, kinh tế thế giới dự báo sẽ tiếp tục phục hồi nhưng sẽ chậm hơn (tăng trưởng 3,2-3,6%) do diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, chiến sự Nga – Ukraine nổ ra cùng với các lệnh trừng phạt, tiếp tục đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa và dịch vụ, lạm phát toàn cầu tăng cao…
Với Việt Nam, dự báo kinh tế sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2022, tăng trưởng có thể đạt 5,5-6% (kịch bản cơ sở) và cao hơn trong năm 2023. Tuy nhiên, lạm phát tăng khá mạnh, có thể lên mức 3,8-4,2% năm 2022 và duy trì mức 4% năm 2023.
Trong bối cảnh đó, thị trường tài chính Việt Nam năm 2022 cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi này nhưng cũng có những bước điều chỉnh giảm điểm cùng với đà chung của chứng khoán thế giới, cùng với tác động từ những chính sách, biện pháp chấn chỉnh thị trường của Chính phủ và các cơ quan chức năng.
Lợi nhuận toàn ngành ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng bình quân khoảng 20-25% so với năm 2021 với tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt mức 14-15%.
Đối với thị trường chứng khoán, thị trường cổ phiếu dự báo sẽ có những điều chỉnh cần thiết, đi vào ổn định hơn, lành mạnh hơn, với VN-Index có thể tăng nhẹ (8% đạt 1.610 điểm, theo kịch bản tích cực) hoặc giảm nhẹ (-4% về mức 1.440 điểm, theo kịch bản tiêu cực).
Khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ dự kiến không đổi so với 2021 do quy mô đáo hạn trái phiếu chính phủ thấp hơn so với các năm trước, góp phần làm giảm áp lực phát hành thêm trái phiếu chính phủ để cơ cấu lại nợ công. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dự báo sẽ tiếp tục phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh hơn khi các quy định được ban hành theo hướng chặt chẽ hơn cùng với tăng cường quản lý, giám sát để giảm bớt rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường.
Trong khi đó, thị trường bảo hiểm được dự báo duy trì đà tăng trưởng, với doanh thu phí bảo hiểm tăng khoảng 18-20%, trong đó bảo hiểm nhân thọ đóng vai trò là động lực chính cho tăng trưởng. Cùng với đó, quá trình hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số, tài chính xanh được thúc đẩy; rủi ro hệ thống (nhất là tính lan tỏa giữa ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm – bất động sản) được quan tâm kiểm soát hơn, cũng là bước đi cần thiết nhằm ổn định, lành mạnh hóa thị trường.
Nhiều kiến nghị chính sách cũng được các chuyên gia đề cập đến trong báo cáo. Trong đó, nhấn mạnh vào nội dung tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tăng vốn; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách liên quan đến xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường quản lý rủi ro hệ thống tài chính; đẩy nhanh xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, tài chính - ngân hàng số; khuyến khích phát triển tài chính xanh như tín dụng xanh, trái phiếu xanh…