Hiện trạng báo độngTheo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nhiệt độ trung bình toàn cầu trên khắp bề mặt đất trong tháng 11/2016 đã tăng 0,95 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20. Năm 2016 là năm ấm nhất trong vòng 136 năm kể từ khi dữ liệu được ghi nhận.
Rặng san hô khổng lồ bị tẩy trắng do nước biển ấm lên ở Vlassoff Cay (Australia). Ảnh: EPA/TTXVN |
Trong khi đó, thỏa thuận khí hậu Paris mà 197 nước tham gia đã được ký để chống lại biến đổi khí hậu nhằm duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu thấp hơn 2 độ C so với trước song điều này vẫn là chưa đủ.
Theo các chuyên gia, để giảm nhẹ những tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lớn, các nước cần tăng cường thực hiện những biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Các quỹ tài chính công vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức cần thiết và điều quan trọng là hiểu rõ và điều phối nguồn lực từ khu vực tư nhân, nhất là tạo lập các quỹ tài chính.
Chỉ số rủi ro thời tiết toàn cầu (CRI) phân tích mức độ các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi thiệt hại liên quan đến thời tiết, bao gồm bão lớn, lũ lụt và các đợt nắng nóng. Theo số liệu thống kê trong thời gian 1996-2015, Trung Quốc đã thiệt hại 32,8 tỷ USD do thiên tai, tiếp theo là Ấn Độ với 11,3 tỷ USD.
Trong khi đó, mức thiệt hại của Thái Lan là 7,6 tỷ USD, tương đương 1% GDP, cao hơn nhiều so với Philippines (2,8 tỷ USD), Nhật Bản (2,4 tỷ USD), Bangladesh (2,3 tỷ USD), Việt Nam (2,1 tỷ USD), Indonesia (1,9 tỷ USD), Myanmar (1,4 tỷ USD) và Hàn Quốc (1,1 tỷ USD).
Thiên tai gây hạn hán và lũ lụt, tác động đến sản xuất nông nghiệp, các kỳ quan thiên nhiên trở nên kém hấp dẫn, bờ biển bị xói lở và cơ sở hạ tầng hư hại.
Tình trạng khô hạn tại Baidoa, Somalia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới môi trường, sản xuất, sức khỏe con người..., nên việc nghiên cứu các giải pháp thích ứng có ý nghĩa cấp thiết. Trong lúc một số nước phải đối mặt với hạn hán và những nước khác phải đối mặt với lũ lụt vì thế nên không thể có giải pháp chung có thể áp dụng trên toàn cầu.
Theo ước tính của WB, các nước đang phát triển cần khoảng 70-100 tỷ USD/năm đến năm 2050 để đáp ứng các nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu hiện tại và tương lai. Năm 2011, các nước đang phát triển chi tiêu tổng cộng 4,4 tỷ USD cho hoạt động này và các nhà nghiên cứu đang kêu gọi thu hút sự tham gia đóng góp của khu vực tư nhân.
Tăng cường ứng phóMới đây, theo báo cáo “Quay lại quỹ đạo: Phục hồi tăng trưởng và Đảm bảo sự thịnh vượng cho tất cả”, tình trạng biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường đang làm Thái Lan dễ bị tổn thương vì các thảm họa tự nhiên.
Báo cáo trên, do văn phòng Đông Nam Á của WB đặt tại Bangkok (Thái Lan) đưa ra, cho hay mức độ suy kiệt của các nguồn lực tự nhiên của Thái Lan cũng đang tăng trong thập niên qua, với mức thiệt hại tăng lên tương đương 4,4% GDP. Con số này bằng với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gấp đôi con số của năm 2002 và gấp ba so với 1980.
Báo cáo kể trên cũng dẫn ra ví dụ là trận lụt lịch sử năm 2011 tại thủ đô Bangkok đã gây thiệt hại 46,5 tỷ USD, phá hủy hàng chục nghìn căn nhà và khiến cuộc sống của khoảng 2,5 triệu người bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu dự báo sẽ gây ra tình trạng ngập lụt thường xuyên hơn ở Thái Lan, với nhiều khu vực đồng bằng thấp trũng bị đe dọa.