Về mặt khoa học, xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện than là chất thải rắn thông thường, không nguy hại. Thành phần gồm các ô xít kim loại như silic, nhôm, titan, sắt, canxi… Đây đều là các thành phần hữu ích để làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên tro, xỉ chưa thật sự được doanh nghiệp mặn mà dùng để sản xuất vật liệu xây dựng.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức bên lề Hội thảo "Vật liệu xây dựng mới cho những công trình xây dựng trong tương lai" tổ chức ngay 13/10, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, việc tái sử dụng chất thải chưa đạt yêu cầu do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, bản thân các nhà máy nhiệt điện xả thải tro xỉ dùng công nghệ khác nhau nên tro xỉ chất lượng cũng khác nhau. Ví dụ có nhà máy cho ra tro xỉ có tỷ lệ mất khi nung là 6%, nhưng có nơi tỷ lệ là 13 - 14%, thậm chí 25%. Do đó, không thể sử dụng ngay làm vật liệu xây dựng được, mà phải qua khâu chế biến, xử lý mới tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Thứ hai là có nhà máy nhiệt điện nằm trong khu vực rất ít đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng như Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, do đó mất rất nhiều công vận chuyển, chi phí cao.
Đồng tình với ông Bắc, ông Thái Duy Sâm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết: Do công nghệ của các nhà máy nhiệt điện hiện nay nên chất lượng tro xỉ thải ra chưa đáp ứng yêu cầu để làm vật liệu xây dựng như phụ gia cho xi măng như thay thế đất sét trong sản xuất xi măng, hoặc làm cốt liệu cho bê tông...
"Một số cơ sở phải xử lý bằng giải pháp công nghệ khác như tuyển, đốt. Điều này khiến giá thành nâng lên, ảnh hưởng đến người tiêu dùng bởi giá cao thì người ta không sử dụng nữa", ông Sâm nói.
Ông Sâm cũng nêu thực tế là còn ý kiến e ngại khi dùng tro xỉ vào mục đích san lấp do hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật.
Ông Bắc cho biết: Đến nay, Bộ Xây dựng đã xây dựng và ban hành, trình cấp thẩm quyền ban hành 14 tiêu chuẩn và 1 quy chuẩn liên quan đến tro xỉ. Hiện Bộ đang giao các cơ quan xây dựng hoàn thiện một số tiêu chuẩn khác, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng tro xỉ. Liên quan đến tiêu chuẩn dùng tro xỉ vào san lấp, ông Bắc cho biết: "Bộ Xây dựng đã biên soạn và chuyển Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định".
"Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ ban hành hai quyết định: Quyết định 1696 phê duyệt đề án đẩy mạnh sử dụng tro xỉ, thạch cao vào năm 2015 và Quyết định 452 năm 2017 tăng cường sử dụng tro xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng cũng như sử dụng trong công trình xây dựng", ông Bắc nói.
Theo Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 phải xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao đảm bảo đáp ứng lượng tồn trữ tại bãi chứa của từng nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón nhỏ hơn tổng lượng phát thải của 2 năm sản xuất.
Để thực hiện mục tiêu này, nhà nước cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia.
"Tôi nghĩ Việt Nam hiện có 3 đối tượng đầu tư các nhà máy xử lý tro xỉ là EVN, PVN và các công ty nước ngoài. Chúng ta phải có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp này để tạo điều kiện cho việc sử dụng vật liệu đó một cách tốt hơn", Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng kiến nghị.
Còn chuyên gia Thái Duy Sâm cũng kiến nghị nhà nước có cơ chế chính sách để hỗ trợ đơn vị thải ra tro xỉ cũng như đơn vị xử lý tro xỉ giảm giá thành sản phẩm.
"Theo Tổng sơ đồ điện 7 về phát triển điện năng của Việt Nam, các nhà máy nhiệt điện than vẫn sẽ phát triển trong tương lai, lượng tro xỉ thải ra hằng năm khoảng 15 - 20 triệu tấn, hiện nay đã tồn đọng tại các bãi thải hàng chục triệu tấn rồi. Nếu không có giải pháp hỗ trợ xử lý, tiêu thụ ngay thì lượng chất thải sẽ ngày một nhiều", chuyên gia cảnh báo.
Ngày 8/10 vừa qua, tại cuộc làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, UBND tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị một số vấn đề liên quan đến việc xử lý tro xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Theo đó, khi các nhà máy ở Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đi vào hoạt động thì tổng lượng tro xỉ phát sinh khoảng 3,8 triệu tấn/năm với tổng diện tích bãi xỉ khoảng 156 ha. Lượng tro xỉ phát sinh chủ yếu được chôn lấp tại bãi thải xỉ, chưa được sử dụng làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền.
UBND tỉnh đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan nhưng đến nay chưa được giải quyết một số vấn đề như: Các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san nền và đường giao thông chưa được ban hành; chưa hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm thúc đẩy việc tái chế, xử lý chất thải (trong đó có tro, xỉ, thạch cao).