Bình ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau khi 'mạnh tay' xử lý sai phạm

Việc xử lý nghiêm một số tổ chức phát hành trái phiếu không tuân thủ các yêu cầu của pháp luật, điển hình như vụ việc tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho thấy các cơ quan chức năng đang quyết tâm lập lại trật tự trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên về lâu dài giới chuyên gia cho rằng, khung pháp lý cho phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện còn những lỗ hổng cần sửa đổi, thay thế. Vấn đề trước mắt là bình ổn lại thị trường, có biện pháp khuyến khích và bảo vệ doanh nghiệp đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Chú thích ảnh
Bình ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau khi "mạnh tay" xử lý sai phạm. Ảnh minh họa: Hứa Chung/TTXVN

Cần giải pháp bình ổn thị trường

Theo tài liệu tham luận tại Hội nghị "Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế" diễn ra ngày 22/4 ở Hà Nội, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, liên quan tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần đây, một số tổ chức phát hành và tổ chức trung gian đã không tuân thủ các yêu cầu của pháp luật. Cùng đó, các tin tức không tích cực về thị trường trái phiếu doanh nghiệp trên thông tin đại chúng, khiến tâm lý các nhà đầu tư hoang mang và nhiều nhà đầu tư cá nhân có động thái bán lại các trái phiếu đã đầu tư, bao gồm cả những trái phiếu có chất lượng tốt, giảm đầu tư mới... khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp và thứ cấp gặp rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt với các doanh nghiệp bất động sản càng khó khăn hơn khi bị hạn chế cả việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Việc này có thể dẫn tới mất thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, gây những hệ lụy khó lường cho thị trường tài chính nói chung.

Do đó VBMA thấy rằng, cần các biện pháp để bình ổn thị trường từ phía Chính phủ, cơ quan quản lý và mọi chủ thể tham gia thị trường để ổn định lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch VBMA, ông Phạm Phú Khôi, những trường hợp tiêu cực vừa qua không phải là đại diện của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như là đại diện các tổ chức hay nhà tư vấn phát hành, mà đó là những trường hợp vi phạm pháp luật mang tính cá biệt, riêng lẻ, sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Rất nhiều tổ chức phát hành, nhà tư vấn khác trên thị trường vẫn được đánh giá tích cực, an toàn và chuyên nghiệp.

VBMA mong muốn Chính phủ và Bộ Tài chính sẽ có các tiêu chí xếp hạng tín nhiệm cho các tổ chức phát hành, tránh các nhà đầu tư đánh đồng và bán tháo các trái phiếu doanh nghiệp khi có sự khủng hoảng nào đó. Cùng đó, cũng đảm bảo được tính minh bạch của tổ chức phát hành.

Bên cạnh đó, về vấn đề tin đồn không chính xác, tiêu cực đang lan truyền trên thị trường khiến cho tâm lý các nhà đầu tư hoang mang, cần có tiếng nói chính thức từ cơ quan có thẩm quyền để bình ổn tâm lý nhà đầu tư.

Ông Khôi kiến nghị, về chính sách bình ổn thị trường, đối với ngân hàng và công ty chứng khoán cần có các biện pháp để có thể trong thời gian ngắn tạo thanh khoản cho thị trường. Ví dụ như lùi lại thời gian hiệu lực của Thông tư 16/2021/TT- NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp; có chính sách để tạo thanh khoản cho các công ty chứng khoán.

Phó Chủ tịch VBMA Phạm Phú Khôi cũng nhìn nhận, thị trường vốn vay luôn có vai trò chủ đạo, lớn gấp 3 lần thị trường vốn chủ sở hữu; trong đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vai trò quan trọng là kênh tài trợ vốn vay trung dài hạn cho tổ chức kinh tế, đi song song với thị trường vốn vay ngân hàng. Qua đó, giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống ngân hàng đồng thời giảm rủi ro cho các doanh nghiệp, không bị quá phụ thuộc vào nguồn vốn trung dài hạn từ các ngân hàng.

Chính phủ cũng khẳng định đang và sẽ rà soát lại toàn bộ khuôn khổ pháp lý hướng tới các thông lệ quốc tế tốt nhất, xem xét và cân đối lại lựa chọn chính sách trong các chính sách về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường vốn dễ dàng và bảo vệ các nhà đầu tư.

“Thực tế thời gian vừa qua chúng ta thấy rằng có một số những vi phạm trên thị trường phát hành trái phiếu, chính vì thế các cơ quan quản lý có xu hướng giám sát chặt chẽ hơn hoạt động phát hành”, ông Khôi nói.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI), việc giám sát chặt chẽ hơn nhằm mục đích đưa các hoạt động trái phiếu đi đúng khuôn khổ của luật pháp, tránh những tình huống lách luật, cũng như là phát hành chui mà không đảm bảo các yếu tố tài sản đảm bảo và mục đích sử dụng vốn sẽ gây những rủi ro cho trái chủ sau này.

Nhận định về việc cơ quan chức năng thời gian qua xử lý nghiêm những sai phạm trên thị trường trái phiếu, ông Ngọc cho rằng, đây là các giải pháp để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, chứ không phải là tạo ra khung khổ quá khó khăn. Bởi trên thực tế hành vi vi phạm pháp luật chỉ là số nhỏ, trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật.

Theo ông Ngọc, đây là hoạt động cần thiết trong giai đoạn thị trường hiện nay. Hơn nữa, việc giám sát chặt chẽ sẽ giúp thị trường phát triển mạnh về mặt quy mô trong dài hạn, đảm bảo được yếu tố chất lượng phát hành. Qua đó, bảo vệ được trái chủ khi thị trường trái phiếu đã minh bạch an toàn.

Ông Ngọc đề xuất trong tương lai khung khổ pháp lý cần làm chặt chẽ hơn, tăng thêm các điều kiện khi phát hành. Ví dụ như điều kiện tổ chức tư vấn phát hành có thể tham gia mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp, hay tài sản đảm bảo bắt buộc phải được quản lý bởi một bên thứ 3 là bên tư  vấn hoặc ngân hàng, mục đích sử dụng vốn cũng phải được giám sát chặt chẽ.

“Tôi tin là khi thực hiện các việc này sẽ nâng cao niềm tin của nhà đầu tư với thị trường trái phiếu trong dài hạn”, ông Ngọc nói.

Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp làm đúng

Các nhà quản lý và chuyên gia đều cho rằng, thị trường trái phiếu bắt đầu trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng và hiệu quả cho các doanh nghiệp bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng. Vì vậy, cần tiếp tục phát triển mạnh thị trường này.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết, những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, kinh doanh khả quan đem lại lợi nhuận tích cực, đủ điều kiện phát hành trái phiếu, sử dụng đúng mục đích thì cần bảo vệ, khuyến khích huy động vốn trên thị trường trái phiếu.

“Chúng ta phải hỗ trợ cho doanh nghiệp có vốn để phát triển kinh doanh và nhà đầu tư có thêm kênh đầu tư sinh lời cao hơn gửi tiết kiệm”, ông Ngọc nêu quan điểm.

Vị chuyên gia cho rằng, dư địa phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn rất lớn, vì hiện tại quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất nhỏ so với kênh tín dụng. Cụ thể, so với 10.500 nghìn tỷ đồng tín dụng, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp hiện chỉ bằng 6%.

Theo VBMA, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng rất mạnh 10 năm qua, số lượng nhà phát hành tăng 8 lần, khối lượng tăng 23 lần. Năm 2021, có gần 400 doanh nghiệp phát hành, khối lượng phát hành là 635.283 tỷ đồng với tổng dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 14,1% GDP của Việt Nam.

Tuy nhiên xét cả về tỷ lệ lẫn khối lượng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn rất nhỏ so với khu vực. Ví dụ như Hàn Quốc có dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chiếm tới 86,6%, ở Malaysia là 60% GDP.

Thực tế, nhu cầu phát hành trái phiếu để huy động vốn là rất lớn. Đáng chú ý, trong số này phát hành trái phiếu riêng lẻ hiện chiếm hơn 95,4%.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, năm 2021, khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm tới hơn 95,1%  tổng giá trị phát hành trong năm 2021, đạt 605 nghìn tỷ đồng. Quý I/2022, khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ tiếp tục tăng tỷ trọng trong tổng giá trị phát hành, chiếm hơn 95,4%.

Ông Phạm Phú Khôi, Phó Chủ tịch VBMA cho rằng, thị trường trái phiếu phát hành riêng lẻ rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng hậu COVID-19. Rất nhiều doanh nghiệp cần tái cơ cấu, bổ sung vốn dài hạn để phát triển kinh doanh sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sẽ giúp các doanh nghiệp trong tình trạng khủng hoảng có công cụ để tái cơ cấu nguồn vốn, tiếp tục hoạt động; không dẫn đến những hệ quả dây chuyền lên hệ thống ngân hàng như tăng nợ xấu. Đây cũng là công cụ để các nhà đầu tư tổ chức chuyên đầu tư mạo hiểm cấu trúc các thương vụ.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp phải theo hướng bền vững để trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp; trong đó, tập trung phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.

Trước mắt, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế theo hướng siết chặt một cách hợp lý, quản lý chặt chẽ các công ty chứng khoán tư vấn phát hành.

Các doanh nghiệp yếu kém không được phát hành; thu hẹp lại mục tiêu huy động trái phiếu chỉ phục vụ cho việc đầu tư triển khai dự án; doanh nghiệp sau khi phát hành phải thông báo ngay cho Sở giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thường xuyên có công bố thông tin về việc sử dụng tiền từ huy động trái phiếu.

Văn Giáp (TTXVN)
Sẽ trình Chính phủ sửa đổi quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Sẽ trình Chính phủ sửa đổi quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Tại Hội nghị “Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế” Hà Nội, ngày 22/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 153) quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế theo hướng siết chặt một cách hợp lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN