Tại Bình Phước, khoảng 2 năm trở lại đây, phong trào trồng sầu riêng phát triển ồ ạt. Nhiều người từng bước cưa, chặt những loại cây trồng truyền thống như điều, tiêu, cà phê, cao su để chuyển qua trồng các loại trái cây khác, đặc biệt là sầu riêng vì đây là loại cây trồng được đánh giá mang lại giá trị kinh tế cao, gấp nhiều lần so với giống cây trồng khác.
Theo số liệu từ Cục thống kê tỉnh Bình Phước, diện tích sầu riêng đến cuối năm 2022 đã đạt 4.802 ha, tăng khoảng 28,4% so với năm 2021; trong đó, diện tích cho sản phẩm là khoảng 2.289 ha, tăng 611 ha. Trong khi đó, diện tích cây hồ tiêu ghi nhận giảm 1.144 ha, cây cà phê giảm 604 ha trong năm 2022.
Ông Trần Văn Phương - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, cây sầu riêng đang mang lợi nhuận cao cho người trồng nên có hiện tượng người dân chuyển đổi nhiều. Sở đã chỉ đạo các địa phương cần có định hướng, quản lý, phát triển loại cây này theo quy hoạch của tỉnh; đồng thời, khuyến cáo người trồng tìm hiểu kỹ về kỹ thuật, sự phù hợp với đất, nước... cũng như điều kiện chăm sóc, canh tác để đạt tiêu chuẩn, chất lượng, năng suất quả khi thu hoạch.
Theo ông Phương, đây là cây khó trồng, đòi hỏi kỹ thuật cao và cả khả năng đầu tư của người trồng. Do đó, không thể phát triển một cách ồ ạt, dẫn đến phá vỡ quy hoạch, cung vượt cầu. Chất lượng và sản lượng không đảm bảo sẽ dẫn đến khó khăn, gây thiệt hại lớn cho người trồng.
Về mặt quản lý, cơ quan chức năng sẽ tham mưu, phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo, tập huấn kỹ thuật cho người trồng cũng như kiểm tra, kiểm soát vật tư, cây giống trong quá trình sản xuất đầu vào để đảm bảo chất lượng sản phẩm sau này.