Đây là một động thái quyết liệt trong việc triển khai đồng bộ các biện pháp để phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm về tải trọng của phương tiện nhằm bảo vệ, duy trì tuổi thọ của công trình đường bộ, góp phần hạn chế tai nạn giao thông.
Trạm kiểm tra tải trọng lưu động Bình Thuận được tỉnh thành lập ngày 7/4/2014. Sau khi thành lập, Trạm kiểm tra tải trọng lưu động duy trì hoạt động 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần; trong đó nhiệm vụ chính là kiểm soát tải trọng trên tuyến quốc lộ 1A, tuần tra kiểm tra tải trọng lưu động trên các tuyến đường, kiểm soát tải trọng xe tại các cảng, mỏ vật liệu và các đầu mối hàng hóa trong việc thực hiện cam kết không xếp hàng lên xe quá tải trọng cho phép tham gia giao thông, không cơi nới thùng xe và không chở quá tải trọng…
Bình Thuận kiểm soát chặt xe quá tải lưu thông qua địa bàn. Ảnh: TTXVN |
Qua hơn 2 năm hoạt động, trạm và các tổ kiểm tra lưu động đã kiểm tra 25.5 phương tiện, trong đó phát hiện 5.101 xe vi phạm, số tiền phạt thu nộp ngân sách hơn 39,5 tỷ đồng; tước trên 3.000 giấy phép lái xe vi phạm. Nhờ vậy, tình hình xe quá tải đã giảm khoảng 90% so với trước. Trạm cân Bình Thuận được liên Bộ Giao thông vận tải và Công an đánh giá là một trong các trạm hoạt động hiệu quả nhất cả nước.
Tuy nhiên, theo nhận định, tình hình xe chở quá tải có thể tăng trong dịp Tết Nguyên đán 2017. Để tăng cường thực hiện các giải pháp siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản yêu cầu Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với Cảnh sát giao thông duy trì hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động 24/24 giờ và liên tục 7 ngày trong tuần.
Bên cạnh đó, rà soát, tổ chức cho các đơn vị vận tải tại các cảng, mỏ vật liệu, đầu mối hàng hóa ký cam kết không xếp hàng hóa lên xe ô tô quá tải trọng cho phép; Thanh tra Sở Giao thông vận tải kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. UBND tỉnh cũng yêu cầu rà soát, lập danh sách các phương tiện vận tải do chủ xe tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước xe không đúng quy định và gửi danh sách trên cho lực lượng Cảnh sát giao thông, Trạm kiểm tra tải trọng xe để kiểm tra, xử lý vi phạm.
Ngoài ra Sở Giao thông vận tải chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Bình Thuận không cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật cho các phương tiện vận tải tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe sai quy định; cử cán bộ kỹ thuật xuống hiện trường phối hợp với Trạm kiểm tra tải trọng xe kiểm tra, xác định lỗi vi phạm khi có yêu cầu; kiểm tra, xác nhận phương tiện đã tháo dỡ phần cải tạo sai quy định và thông báo bằng văn bản cho Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông để giải quyết cho phương tiện tiếp tục tham gia giao thông…
Tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phân công lực lượng Kiểm soát quân sự phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý các phương tiện mang biển số quân đội vi phạm tải trọng, phương tiện gắn biển số quân đội giả; xử lý các hành vi vi phạm kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao.