Tại huyện Hàm Thuận Nam, từ cuối tháng 2/2020, hồ Tà Mon đã hết nước, không còn nguồn nước để cung cấp phục vụ sản xuất. Các hồ chứa khác như: Ba Bàu, Tân Lập, Đu Đủ… mực nước đã xuống thấp. Hơn 3.000 ha thanh long trên địa bàn huyện thiếu nước tưới và đang chờ đợt nước bổ sung từ hồ Sông Móng điều tiết về. Bên cạnh đó, nắng nóng kéo dài cũng khiến hơn 2.600 hộ dân ở các xã Hàm Thạnh, Mương Mán, Hàm Cường và Tân Lập thiếu nước sinh hoạt.
Theo Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Nam, trước tình hình này, huyện đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận chuyển lượng nước còn lại tại hồ Sông Móng về hồ Ba Bàu để có nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước tưới cho thanh long đến hết ngày 30/4.
Cùng với việc tổ chức nạo vét các tuyến kênh chính khu vực hồ Ba Bàu bị bồi lấp, cản trở dòng chảy nước cho sản xuất, sinh hoạt cho người dân, huyện cũng tăng cường quản lý tốt nguồn nước tại hồ Tân Lập, Ba Bàu lúc này nhằm đảm bảo nguồn nước mặt cho các nhà máy nước hoạt động ưu tiên nước sinh hoạt cho đến hết tháng 6. Thêm vào đó, để chủ động phòng tránh và hạn chế thiệt hại do nắng hạn, huyện Hàm Thuận Nam cũng xây dựng phương án để ứng phó…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, tính đến ngày 16/4, tổng lượng nước tích trữ trong các hệ thống công trình thủy lợi trên toàn tỉnh là 30 triệu m3, đạt 11,8% dung tích thiết kế; trong đó, có nhiều hồ đã xuống dưới mực nước chết. Toàn tỉnh hiện có 26.000 hộ dân với khoảng 97.000 nhân khẩu ở khu vực nông thôn tại xã, phường, thị trấn thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Số hộ dân bị thiếu nước chủ yếu sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng đào, giếng khoan của hộ gia đình và một số hộ dân sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ các công trình cấp nước tập trung nhưng do nhà máy nước không đảm bảo công suất nên phải điều tiết luân phiên giữa các khu vực.
Để kịp thời giải quyết nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan, kiểm tra, rà soát kỹ và đánh giá chặt chẽ, chính xác tình hình nắng hạn, thiếu nước sinh hoạt thực tế của tỉnh năm nay và so sánh với các năm khác để có phương án cấp nước hiệu quả.
Cùng với việc cân đối, tính toán và quản lý chặt chẽ nguồn nước còn lại từ công trình thủy lợi đảm bảo điều tiết cung cấp đủ nước cho các nhà máy nước sinh hoạt đến hết 30/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tập trung khai thác triệt để các nguồn nước trữ vào hồ chứa, ao bàu, đập dâng, kênh trục chính để dự trữ phục vụ sản sinh hoạt và sản xuất; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp nước tập trung đang thi công; các hạng mục, hệ thống tuyến ống đã thi công hoàn thành, đấu nối và đưa vào sử dụng ngay để phục vụ cấp nước cho các hộ dân. Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; có biện pháp ứng phó với việc thiếu hụt nguồn nước.
Về lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát tất cả các khu vực thiếu nước sinh hoạt trong thời gian qua, nhất là các khu vực có dân cư sinh sống nhiều, đề xuất đầu tư các công trình nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước hiện có hoặc đầu tư mới và lập danh mục các công trình đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Trên cơ sở đó phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí bổ sung vốn để đầu tư mới hoặc nghiên cứu các công trình bức xúc trong năm 2020 để hoàn thành trong đầu năm 2021.