Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, trực tiếp phụ trách và chỉ đạo “Tổ công tác đặc biệt” của Bộ Công Thương. Việc này được Bộ Công Thương thực hiện ngay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký văn bản 970/TTg-KGVX ngày 18/7/2021 về việc thành lập “Tổ công tác đặc biệt” phòng, chống dịch COVID-19.
Ngay khi thành lập, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã họp với Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cùng trao đổi cơ chế phối hợp cũng như các yêu cầu cấp bách để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Theo đó, Tổ công tác đặc biệt có trách nhiệm bám sát diễn biến thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam, nhất là các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đang áp dụng biện pháp giãn cách theo Công văn số 969/TTg-KGVG của Thủ tướng Chính phủ ngày 17 tháng 7 năm 2021 về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch tại một số địa phương.
Ngoài ra, Tổ công tác đặc biệt còn có nhiệm vụ kết nối cung cầu hàng hóa thiết yếu trong và ngoài các địa phương phía Nam, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng dịch; thực hiện điều tiết, cung ứng hàng hóa thiết yếu thông suốt tại các tỉnh, thành phố có dịch, giữa các tỉnh, thành phố có dịch với các địa phương khác.
Mặt khác, Tổ công tác đặc biệt còn phối hợp cùng lực lượng chức năng tại các địa phương đảm bảo lưu thông hàng hóa, chống hiện tượng găm hàng, tăng giá, ép giá, bán hàng kém chất lượng; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh; tham mưu, đề xuất hướng xử lý để báo cáo Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam.
Ngay sau khi thành lập, các thành viên của Tổ đã họp, phân công nhiệm vụ, đồng thời có mặt trực chiến ở khu vực phía Nam, Tổ cũng thiết lập đường dây nóng qua số điện thoại 0976695965 và email [email protected] để tiếp nhận phản ánh, những vấn đề bức xúc của người dân liên quan đến tình hình cung ứng thực phẩm, hàng hóa cũng như quản lý thị trường, giá cả hàng hóa những mặt hàng thiết yếu…
Trước đó, Tổ công tác tiền phương của Bộ Công Thương đã phối hợp cùng UBND Tp. Hồ Chí Minh đi khảo sát, kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa cũng như chống dịch tại các chợ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh gồm: Chợ Bình Thới trên đường Lạc Long Quân, phường 10, quận 11; chợ Hạnh Thông Tây trên đường Quang Trung, phường 11, quận Gò Vấp và chợ Ba Bầu, trên đường Tô Ký, khu phố 3, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12.
Báo cáo nhanh với Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh và Tổ công tác tiền phương, Sở Công Thương Thành phố cho biết, tính đến ngày 17/7 trên toàn thành phố có 191/237 chợ tạm ngưng hoạt động; trong đó có 3 chợ đầu mối và 188 chợ truyền thống. Một số chợ đã khôi phục hoạt động sau khi tạm ngưng để thực hiện các công tác phòng, chống dịch có chợ Bình Thới, chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Phú Thọ.
Nhằm “chia lửa” cho hệ thống siêu thị, cử hàng tiện lợi đang quá tải hiện nay, thành phố sẽ dần dần cho khôi phục hoạt động các chợ truyền thống ở những khu vực tương đối an toàn.
Mỗi chợ sẽ không mở cửa lại toàn bộ mà chỉ lựa chọn một số tiểu thương có đủ năng lực tổ chức hoạt động với mô hình điểm bán các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả, thịt cá, để gia tăng các điểm cung ứng hàng hóa trên địa bàn. Đơn cử như chợ Phú Thọ (ngày 16/7/2021) với 6 tiểu thương kinh doanh, chủ yếu là mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống.
Các địa phương dự kiến mở các điểm bán các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả tại chợ trong tuần sau, sau khi có kết quả xét nghiệm của tiểu thương và phương án tổ chức hoạt động chợ được duyệt.
Cụ thể tại quận Bình Tân là chợ Kiến Thành; quận 5 có chợ Xã Tây; quận 6 có 2 chợ gồm chợ Phú Định và chợ Minh Phụng; quận 8 có 2 chợ là chợ Phú Lợi 1 và chợ Phú Định; quận 10 có chợ Nhật Tảo; huyện Bình Chánh có chợ Bà Lát, chợ Vĩnh Lộc A; huyện Hóc Môn là chợ Hóc Môn; huyện Nhà Bè dự kiến 2 chợ.
Song song đó, Sở Công Thương đẩy mạnh triển khai mô hình bán hàng trực tuyến tại các chợ trên địa bàn như: Phú Lâm, Minh Phụng, Bình Tây, Tân Hoà Đông, Nguyễn Văn Trỗi, Bàn Cờ, Bùi Phát, chợ Phạm Văn Cội, chợ Tân Phong, chợ Phước Thạnh...
Hiện tại, Ban quản lý các chợ đã kết nối, triển khai đến các tiểu thương thực hiện duy trì việc cung ứng hàng hóa cho người dân bằng hình thức bán hàng qua điện thoại. Theo đó tiểu thương đăng ký với ban quản lý thông tin tham gia bán hàng để ban quản lý thiết lập poster quảng bá ngay tại cổng chính chợ, treo thông tin xung quanh chợ, nơi người dân dễ nhận thấy nhất.
Đáng lưu ý, nhiều tiểu thương đã đăng ký tham gia việc bán hàng trên Zalo, Facebook và fanpage của chợ thể hiện đầy đủ số điện thoại, địa chỉ liên lạc khi người dân có nhu cầu.
Theo đại diện Ban quản lý chợ Bình Thới (quận 11), chợ này đã tạm đóng cửa từ ngày 30/6 vì có ca nhiễm COVID-19. Đến ngày 9/7 chợ đã mở cửa trở lại với 297 tiểu thương ngành hàng thực phẩm. Ban quản lý chợ đã sắp xếp luân phiên để mỗi ngày có khoảng 85 tiểu thương bán hàng.
Để được kinh doanh trở lại, tất cả tiểu thương đều phải có kết quả xét nghiệm âm tính, đã được tiêm phòng COVID-19 và thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt trong những ngày ra chợ buôn bán.
Về giá cả, trong những ngày gần đây có biến động tăng nhẹ do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch và việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn.
Sau khi kiểm tra thực tế một số chợ trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Tp. Hồ Chí Minh đánh giá, cơ bản các chợ thực hiện nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời yêu cầu ban quản lý các chợ chú ý tăng cường nhắc nhở tiêu thương, bà con mua sắm thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch, để cùng chung tay với Thành phố thực hiện “mục tiêu kép”, đẩy lùi dịch COVID-19, đưa thành phố sớm trở lại trạng thái bình thường.