Bộ Công Thương lên tiếng khi giá thịt lợn trong nước liên tục tăng cao

Sáng 17/12, thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, giá các sản phẩm thịt lợn hiện đang ở mức rất cao, tăng 60 - 95% so với đầu năm 2019.

Từ tháng 6, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần và tăng mạnh nhất là từ cuối tháng 10 đến nay. Theo đó, giá thịt lợn hiện tại đã tăng khoảng 60 - 80% so với tháng 9 và tăng 60 - 95% so với đầu năm 2019. 

Giá các sản phẩm thịt lợn hiện đang ở mức rất cao, giá lợn hơi ở mức 80.000 – 90.000đồng/kg, tăng 10.000đồng/kg so với tuần trước, giá thịt lợn thành phẩm ở mức 160.000 – 180.000đồng/kg, tăng 15.000 – 20.000đồng/kg so với tuần đầu tháng 12/2019.

Chú thích ảnh
Thịt lợn được chế biến trên bàn chuyên dụng tại nhà máy của Công ty Cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh, Cụm công nghiệp Hà Bình Phương, huyện Thường Tín (Hà Nội). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Theo Tổng cục thống kê, đàn lợn cả nước tháng 11/2019 giảm mạnh 22% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng. 

Đặc biệt, do nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng trong khi đó một bộ phận người chăn nuôi và nhà sản xuất giữ hàng lại chưa bán, chờ giá tăng cao hơn.

Bộ Công Thương cũng đưa ra dự báo nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm giảm nhẹ khoảng 5 - 10% so với năm 2018 do giá quá đắt nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 300.000 – 320.000 tấn/tháng. Như vậy, dự báo nhu cầu cho tháng 12/2019 và tháng 1/2020 khoảng 600.000 tấn. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xét về tổng lượng thịt các loại trong năm 2019, ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1%. Riêng sản lượng thịt lợn giảm 0.000 tấn, tương đương từ 9 - 10% so với năm 2018 cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước. 

Trong thời gian tới, do dịch tả lợn Châu phi đã qua giai đoạn đỉnh, tình hình dịch bệnh và số lượng lợn bị bệnh, tiêu hủy đã giảm dần nên đã có một số nơi được phép tái đàn trở lại. Đồng thời, giá thịt lợn cao cũng khuyến khích người chăn nuôi tái đàn, do vậy cũng sẽ giúp bù đắp một phần thiếu hụt trong thời gian tới. 

Ngoài ra, do giá thịt lợn trong nước đang ở mức cao nên các doanh nghiệp chế biến thực phẩm sẽ nhập khẩu thịt lợn an toàn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng sẽ giảm áp lực cho nguồn cung trong nước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có 24 quốc gia được nhập khẩu thịt lợn chính ngạch vào Việt Nam. Các doanh nghiệp căn cứ vào nhu cầu thực tế để thực hiện việc nhập khẩu và sẽ chịu sự kiểm soát về chất lượng an toàn thực phẩm và kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong việc nhập khẩu vẫn chủ yếu là hạ tầng logistics (kho lạnh) để dự trữ, bảo quản thịt lợn đông lạnh sau nhập khẩu và nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với mặt hàng thịt lợn đông lạnh vẫn rất khiêm tốn, chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, chế biến.

Theo thông tin  mà Bộ Công Thương nắm được thì trong 10 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt lợn đạt 96.000 tấn, trị giá đạt hơn 108 triệu USD, tăng 101,7% về lượng và tăng 94,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường, trong tháng 10/2019, thịt lợn được nhập khẩu nhiều nhất từ Ba Lan, đứng thứ 2 là thị trường Đức, đứng thứ 3 là thị trường Hoa Kỳ, tiếp theo là thị trường Hà Lan. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu này chưa bù đắp được lượng thiếu hụt và chủng loại thịt mà người dân thường có nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết. 

Thu Trang/Báo Tin tức
Nếu thiếu nguồn cung thịt lợn sẽ nhập khẩu
Nếu thiếu nguồn cung thịt lợn sẽ nhập khẩu

Tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 12/12, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Hoàng Anh Tuấn cho biết, để đảm bảo hàng hóa cung cầu thiết yếu cuối năm, chúng ta có thể hướng tới nhập khẩu với mục tiêu đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi, doanh nghiệp chăn nuôi, người tiêu dùng và doanh nghiệp chế biến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN