Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng là cần thiết, giúp phát triển lành mạnh, mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng khả năng chống chịu trong nền kinh tế đầy biến động. Vốn điều lệ cao sẽ là “bộ đệm” giúp ngân hàng có thêm nguồn lực để chống chọi với những khó khăn; hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đại diện Ngân hàng UOB Việt Nam ngày 26/12 cho biết: Sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp nhuận, ngân hàng này đã tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng, thông qua việc “bơm” vốn từ ngân hàng mẹ UOB tại Singapore. Đây là lần tăng vốn điều lệ thứ 2 trong vòng 3 năm qua của UOB Việt Nam.
“Việc tăng vốn sẽ góp phần giúp ngân hàng đạt được các mục tiêu chiến lược trong 5 năm tới với trọng tâm thúc đẩy kinh doanh ngân hàng bán lẻ bên cạnh các dịch vụ ngân hàng bán buôn. Quyết định tăng vốn là minh chứng cam kết lâu dài của UOB đối với sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam”, ông Victor Ngo, Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết.
Theo ông Victor Ngo, với mức vốn tăng này, UOB có khả năng tốt hơn để hỗ trợ sự tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bán lẻ, cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững và tiếp tục mang lại các giá trị vượt trội cho khách hàng. “Thời gian tới, UOB Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn thương mại và đầu tư ngày càng tăng vào Việt Nam.
Gần đây, UOB đã gia hạn biên bản ghi nhớ với Cục Đầu tư nước ngoài, tập trung thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao vào Việt Nam, thúc đẩy tạo việc làm, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, số hóa, tăng trưởng xanh, bền vững, năng lượng mới, chất bán dẫn và tài chính”, ông Victor Ngo cho biết.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, đại diện Ngân hàng NCB cho biết: NCB vừa thông báo Nghị quyết của Hội đồng Quản trị (HĐQT) về phương án phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ lên hơn 11.800 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết, ngân hàng NCB sẽ phát hành và chào bán 620 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ thêm 6.200 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 5.602 tỷ đồng lên 11.802 tỷ đồng.
Cụ thể: NCB dự kiến dành 200 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, 200 tỷ đồng để xây dựng nhận diện thương hiệu, 500 tỷ đồng dành cho phát triển công nghệ và chuyển đổi số trong năm 2024 - 2025. Số tiền 5.300 tỷ đồng còn lại được bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh theo nhu cầu của ngân hàng, trong đó có việc nâng cao khả năng đáp đáp ứng nhu cầu vốn của một số khách hàng chiến lược, lĩnh vực, khu vực kinh tế trọng điểm.
Đơn vị tư vấn chào bán cổ phiếu riêng lẻ của NCB là Công ty cổ phần Chứng khoán SSI. Số lượng nhà đầu tư chào bán theo kế hoạch là dưới 100 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và đảm bảo đáp ứng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại NCB theo quy định.
Theo kế hoạch, NCB sẽ thực hiện phát hành ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước chấp thuận (dự kiến quý II/2024). Việc chuyển nhượng số cổ phiếu này bị hạn chế trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành chào bán.
Mới đây, Ngân hàng Vietbank đã được UBCK Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng nhằm tăng vốn điều lệ. Theo đó, Vietbank sẽ chào bán 100,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 21%, đồng nghĩa với việc mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được mua thêm 21 cổ phiếu mới.
Khách hàng cá nhân có nhu cầu vay tại Ngân hàng Vietbank sẽ nhận được mức hỗ trợ lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6%/năm, miễn phí trả nợ trước hạn. Giá cổ phiếu bán ra trong đợt này sẽ bằng với mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong vòng 90 ngày kể từ khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép chào bán, Vietbank phải thực hiện phân phối số cổ phiếu đã đăng ký. Tổ chức tư vấn phát hành là Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt.
“Việc tăng vốn sẽ giúp gia tăng được nguồn vốn trung dài hạn, tạo điều kiện để ngân hàng đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới hoạt động và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng ở những năm tiếp theo”, đại diện Vietbank cho biết.
Đến nay, đã có 24 ngân hàng được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ. Trong đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Theo đó, một số ngân hàng được chấp thuận như: Techcombank, Eximbank, OCB, ABBank, SHB, BVBank, MSB, Kienlongbank, Nam A Bank, VPBank, MB, SeABank, ACB, VIB, TPBank, LPBank, BacA Bank, VietA Bank...
Theo Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings, tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nhanh những năm gần đây của Việt Nam đặt ra thách thức lớn cho các ngân hàng trong việc đảm bảo an toàn vốn. Do vậy, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần bổ sung vốn tới 10,7 tỷ USD (2,9% GDP) để đảm bảo dự phòng rủi ro và duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức 10%.
Năm 2023, ước tính sẽ có hơn 4 tỷ cổ phiếu ngân hàng được phát hành để trả cổ tức cho nhà đầu tư. Phương thức này được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh nhiều ngân hàng vẫn đang phải gia tăng "bộ đệm vốn" nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của Basel II và các chuẩn cao hơn nữa.