Tính đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tổng số 45.343 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó, phân bổ toàn bộ 4.877 tỷ đồng (đạt 100%) vốn nước ngoài và 40.466 (đạt 89%) vốn trong nước. Còn lại 4.985 tỷ đồng vốn trong nước chưa phân bổ kế hoạch, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến bố trí cho 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sau khi có quyết định phê duyệt dự án đầu tư và được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn vốn thực hiện.
Dự kiến, đến hết tháng 6/2022, Bộ Giao thông vận tải giải ngân khoảng 17.200 tỷ đồng, đạt 39,8% kế hoạch đã giao chi tiết và đạt 34,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, gồm: 1.843 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 37,8% và 15.357 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 33,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
"Dù giải ngân gặp khó khăn trong quý đầu tiên, song từ tháng 3/2022 đến nay, các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án cùng các cơ quan, đơn vị ngành giao thông đã nỗ lực, đưa kết quả giải ngân luôn cao hơn mức giải ngân trung bình của cả nước từ 5 - 7%.
Để có được kết quả này, Bộ trưởng và các Thứ trưởng đã chủ trì họp hàng tuần và gắn trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công; quán triệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tranh thủ thời tiết thuận lợi tại các địa phương, tăng ca, tăng kíp, tăng mũi thi công”, ông Huy cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư, khối lượng giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2022 còn rất lớn, khoảng 33.100 tỷ đồng.
Nhận thức được nhiệm vụ quan trọng này, Bộ Giao thông vận tải đã đề ra nhiều giải pháp, có nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đẩy mạnh giải ngân tại các dự án có kế hoạch còn lại lớn, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm, các dự án phải hoàn thành trong năm 2022 như: các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các dự án đường sắt cấp bách, Tân Vạn - Nhơn Trạch, tuyến tránh Long Xuyên, dự án kết nối giao thông Tây Nguyên, Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, Tuyến tránh Quốc lộ 1A qua Cà Mau, Tuyến tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột...
Để bảo đảm phân bổ, giải ngân hết kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao, theo ông Nguyễn Danh Huy, các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án cũng cần lưu ý đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện; rà soát, đề xuất nhu cầu bổ sung kế hoạch năm 2022 cho các dự án đang thực hiện từ nguồn vốn kế hoạch năm 2022 chưa phân bổ của Bộ.
Đối với các dự án khởi công mới, có dự kiến sử dụng kế hoạch vốn năm 2022 nhưng đến nay chưa hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, các đơn vị căn cứ tiến độ hoàn thiện thủ tục và kết quả rà soát lại nhu cầu sử dụng vốn trong năm 2022 để đề xuất điều hòa, điều chỉnh lại từ kế hoạch năm đã giao cho các dự án khác của đơn vị.
"Quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định, gia hạn hiệp định các dự án ODA, các Ban Quản lý dự án phụ trách cần có sự trao đổi với các Cục, Vụ chuyên môn của Bộ Giao thông vận tải để sớm hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo tiến độ giải ngân", ông Nguyễn Danh Huy đề nghị.